Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Phát biểu tại lễ trao tặng tượng đồng cho Trường Lục quân 1


Kính thưa các đ/c lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 1,
Kính thưa đại diện Hội KH Lịch sử VN,
Kính thưa các lão tướng Võ bị Trần Quốc Tuấn,
Thưa các đồng chí và các bạn!


Gia đình chúng tôi vô cùng xúc động trong buổi lễ long trọng cùng Hội KH Lịch sử VN tặng bức tượng đồng của Thiếu tướng Chính uỷ Trần Tử Bình cho trường Sĩ quan Lục quân 1 hôm nay lại được gặp các chú Hoàng Triệu Hùng, Nguyễn Văn Bồng, Đỗ Văn Đức, Đỗ Hạp, Nguyễn Minh Long - những học viên của cha chúng tôi từ trường Quân chính VN, rồi Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1, 2, 3 cách nay hơn 60 năm; gặp lại gia đình lão đồng chí Lê Quang Đạo từng hoạt động với ông thời kì bí mật, gặp gia đình Tướng Hoàng Văn Thái nguyên Hiệu trưởng trường Quân chính Kháng Nhật 1945, sau đó  bàn giao lại cho cha chúng tôi cùng đ/c Trương Văn Lĩnh; gặp gia đình Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu người được Bác Hồ giao nhiệm vụ đặt phụ nữ Thủ đô làm lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với Nước, Hiếu với Dân” để tặng nhà trường trong ngày khai giảng khóa 1 Võ bị tại chính thành phố Sơn Tây này; gặp lại gia đình cụ  Hoàng Đạo Thuý vị  Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường và gia đình Hiệu phó Đào Chính Nam… cùng những bạn bè thân hữu trong 1 không khí “rất là lính”.
Được sự uỷ quyền của anh Trần Kháng Chiến, thay mặt gia đình, xin gửi tới các đồng chí lời chào trân trọng nhất!

Thưa các đồng chí,
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý, nghĩa tình của dân tộc. Từ năm 2004, được sự giúp đỡ của Hội KH Lịch sử VN, gia đình đã cùng tổ chức Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tại Viện Bảo tàng Cách mạng VN. Sau hội thảo, các bài viết và tác phẩm văn học, lịch sử về ông được biên tập. Thông qua NXB Lao động, gia đình đã phát hành 2.000 cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng đỏ tới mùa Thu Hà Nội…”.
Cũng tại hội thảo, Hội KH Lịch sử đã phát động “góp giọt đồng đúc tượng danh nhân” và giao cho Nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán thực hiện tác phẩm này. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, cùng sự đóng góp bằng vật chất của xã hội và gia đình đến cuối năm 2007 bức tượng bán thân của Thiếu tướng được hoàn thành. Bức tượng được sáng tác dựa vào ảnh tư liệu gia đình còn lưu giữ  trong thời gian công tác tại Lục quân thập kỷ  1950.
Sinh thời, ông thường nói với anh chị em chúng tôi: “Cuộc đời cha có 2 niềm tự hào lớn: lúc 23 tuổi cùng anh em làm nên một “Phú Riềng đỏ” lịch sử và 15 năm sau, sau khi cùng 150 anh em tù chính trị vượt ngục Hỏa Lò, đã tham gia lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và Bắc bộ!”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của Thiếu tướng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã kí quyết định số 1232 QĐ/CTN, ngày 29/10/2007, truy tặng Huân chương Sao Vàng. Có 1 điều trùng hợp thú vị: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé “thời kì đổi mới” - đã tới dự và trao tấm huân chương cao quý cho gia đình lão đ/c nguyên là Bí thư chi bộ Phú Riềng trên đúng miền đất đỏ “thời kì dựng Đảng 1930”. Đặc biệt buổi lễ được Bộ Ngọai giao tổ chức trọng thể tại phòng khánh tiết Phủ Khâm sai năm xưa (nay là Nhà khách Chính phủ) nơi 63 năm trước, trưa ngày 19/8/1945, 2 ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ Trần Tử Bình và Nguyễn Khang cùng các đ/c trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội chỉ huy lực lượng cách mạng tiến công vào giành chính quyền về tay nhân dân.
Tại thời khắc lịch sử ấy, chính ông ra lệnh bắt Nguyễn Xuân Chữ (đại diện chính quyền bù nhìn) giải về ATK ở Vạn Phúc, Hà Đông. Khi nghe chuông điện thọai các tỉnh hốt hỏang gọi về, ông đã lệnh  nối máy và dõng dạc tuyên bố: “Ở Hà Nội, chính quyền đã về tay Việt Minh. Chính quyền bù nhìn ở các tỉnh phải đầu hàng và bàn giao ngay cho Cách mạng; nếu không sẽ bị xử tử!”.
Là con cháu của ông Trần Tử Bình, bà Nguyễn Thị Hưng; không chỉ tự hào về cha mẹ và quê hương mà chúng tôi rất tự hào về những mảnh đất mà ông bà đã được nhân dân đùm bọc suốt thời kì bí mật; tự hào về Trường Quân chính VN, Trường Cán bộ VN và Võ bị Trần Quốc Tuấn năm xưa cũng như Trường Sĩ quan Lục quân I ngày nay - nơi ông được giao nhiệm vụ Chính trị uỷ viên đầu tiên cùng Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thuý, rồi những năm 1950-1956 lại cùng công tác với mẹ chúng tôi (cán bộ chính trị bậc tiểu đoàn tại Phòng Chính trị của Chủ nhiệm Lê Chiêu). Bốn trong số 8 anh chị em chúng tôi sinh ra và theo nhà trường suốt thời gian ở Trung Quốc. Đặc biệt 8 năm cuối đời, ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành Ngoại giao, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung.
Khi còn sống, ông luôn xa nhà, ít có điều kiện gần gụi, nhưng mỗi lần về lại giáo dục chúng tôi: “Cha mẹ xuất thân từ gia đình bần cùng của xã hội, học hành không đến nơi đến chốn, chủ yếu học qua các lớp ở nhà tù và thực tế cách mạng. Vì vậy các con phải cố gắng học tập!”. Cha mẹ tôi rất gắn bó với bạn bè thời khoác áo lính, nhất là “thuở Lục quân” nên các chú, các bác bộ đội thường qua lại thăm nhà. Nhiều chú là học trò của cha sau này lại là thầy giáo của chúng tôi. Kế tục sự nghiệp quân ngũ của cha mẹ, 4 trong 6 anh em trai đã nhập ngũ thời chống Mỹ, và cả 8 anh chị em đều tốt nghiệp đại học. Ngày nay, chúng tôi đều đã phương trưởng, các cháu thế hệ thứ 3, thứ 4 đều là con ngoan trò giỏi, những người có ích cho xã hội.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của ông, chúng tôi cùng địa phương đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm tại Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam và Trường Mẫu giáo mang tên ông tại Ân Thi, Hưng Yên.
Cũng dịp 19/8 năm nay, Hà Nội đã gắn tên “Trần Tử Bình” cho  con phố ở quận Cầu Giấy. Một đầu nối vào đường Hoàng Quốc Việt, 1 đầu nối vào đường Tô Hiệu, không xa phố mang tên Hoàng Sâm, Nguyễn Văn Huyên, Phùng Chí Kiên… những đồng chí của ông. Như vậy tại Hà Nội, TpHCM, Bình Dương đã có những đường phố được gắn tên ông.
Với bức tượng bán thân Thiếu tướng Trần Tử Bình, ngoài việc lưu giữ tại gia đình, còn được đặt tại Nhà tưởng niệm tại quê hương; tại Bảo tàng Lịch sử quân sự (Hà Nội); tại Nhà Truyền thống công nhân Cao su (TpHCM). Và hôm nay gia đình vinh dự được tặng bức tượng này cho Trường Sĩ quan Lục quân I. Như vậy hình tượng của ông vẫn hoà theo nhịp sống sôi động hàng ngày của nhà trường mà ông đã góp công xây dựng thuở ban đầu. Ông như vẫn chứng kiến các lớp học sinh nhập học và vui tiễn các khóa sĩ quan trẻ tốt nghiệp ra trường trở  về  xây dựng đơn vị.
Cũng dịp này xin tặng thư viện nhà trường tác phẩm “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng đỏ tới mùa Thu Hà Nội…” và truyện ký “Trọn đời vì nghĩa cả” (tác giả Hoàng Giang Phú) cùng 1 số ảnh tư liệu thời kì nhà trường ở Trung Quốc mà gia đình còn lưu giữ.
Hy vọng những việc làm này sẽ góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của Trường Sĩ quan Lục quân I, đơn vị Anh hùng LLVTND.

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn Hội KH Lịch sử VN, đặc biệt là Nhà sử học Dương Trung Quốc, đã có sáng kiến tổ chức hội thảo và phát động góp giọt đồng đúc tượng danh nhân Trần Tử Bình!
Xin chân thành cảm ơn Nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán, tác giả bức tượng!
Xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu và các đ/c cán bộ sĩ quan Trường Sĩ quan Lục quân I đã sát cánh cùng gia đình trong những năm qua, hôm nay lại tổ chức buổi lễ đón nhận bức tượng rất long trọng, ý nghĩa và rất thân tình! Các đồng chí còn quan tâm giành cho gia đình mt khoản vật chất không nhỏ.
Xin chúc các đồng chí cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng quân đội ta lên chính quy hiện đại!
Xin kính chúc các quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
Xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các vị khách quý!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.