Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Đọc sách: THOÁT NGỤC HỎA LÒ


THOÁT NGỤC HỎA LÒ
 Thiếu tướng Trần Tử Bình kể
Hà Thành Ân ghi

 Cách đây hơn 20 năm, dưới gót sắt của thực dân Pháp, Hỏa Lò Hà Nội là hình ảnh thu nhỏ của một nhà ngục khổng lồ mà kẻ thù xây đè lên đất nước thân yêu của chúng ta, là một địa ngục trần gian, là mối căm thù của những người Việt Nam biết mình phải làm gì đối với Tổ quốc.
 Hoả Lò Hà Nội cùng toàn thể bộ máy thống trị mà kẻ địch dựng nên bằng xi măng cốt thép và máu, đã không thể bền vững được trước sức mạnh vĩ đại và lòng yêu nước nồng nàn của một dân tộc quật cường. Hơn hai chục năm trôi qua[[1] Năm 1964.1], tôi vẫn còn nhớ cái ngày lửa cách mạng cháy rừng rực, một số khá đông cán bộ chúng tôi đã thoát ngục Hỏa Lò trở về với phong trào, để cùng toàn dân tiến tới đập vỡ tan tành toàn bộ chế độ tù ngục của kẻ thù. Đó là cuộc vượt ngục lần thứ ba, cuộc vượt ngục cuối cùng mà cũng là cuộc vượt ngục trong điều kiện mới lạ nhất đối với tôi trong quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp.


 Lần ấy, tôi bị bọn mật thám Pháp bắt vào ngày 24 tháng 12 năm 1943 khi đang lĩnh nhiệm vụ Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Chúng giam tôi tại các nhà giam ở Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, tra tấn, đánh đập hết mọi cách nhưng không moi được một lời. Cuối cùng, khoảng đầu tháng 4 năm 1944, chúng giải tôi về Hà Nội rồi đẩy vào ngục Hoả Lò với cái án 20 năm cộng với án 10 năm khổ sai.
 Lại một lần nữa tiếng khóa lách cách, tiếng cánh cửa sắt rít lên nghe đầy vẻ hăm dọa cùng những bộ mặt hung hãn, hằm hè của lũ đầu trâu mặt ngựa, đặc biệt là của tên chủ ngục A-gốt-ti-ni với cái lưng gù gù mà chúng tôi thường gọi là "Thằng gù". Khắp người tôi thâm tím, đau đớn, đầu váng, mắt hoa nhưng tinh thần vẫn rất tỉnh táo. Giữa lũ quỷ sứ nhăm nhăm dùi cui cộc, roi da dài... tôi vẫn nghe thấy tiếng các đồng chí mình đang xôn xao "Kìa Minh “khói”!”, "Minh “khói” vào đây rồi!". Minh “khói” là một trong những bí danh của tôi hồi ấy. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên trong những chấn song sắt nhà giam, các đồng chí bị bắt từ trước ngó ra và báo tin cho nhau. Tôi nhận ra các đồng chí: Nghĩa, Thân, Nguyễn Lam, Đắc, Chương, Kha, Chí, Văn, Hòa, Tuân, Cử, Thiện[[2] Lê Trọng Nghĩa, Lê Quốc Thân, Nguyễn Lam, Lê Tất Đắc, Nguyễn Chương, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Đình Chí, Phạm Công Văn, Nguyễn Huy Hòa, Nguyễn Tuân, Vũ Tuân, Trần Văn Cử, Hoàng Thế Thiện… (Theo “Danh sách các chiến sĩ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò 1899-1945” trong cuốn “Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò” – NXB Chính trị quốc gia, 1994).2]... Đồng chí Trần Đăng Ninh cũng bị chúng giam ở đây.
 Những ánh mắt quen thuộc của các đồng chí cùng tỏ ra thông cảm với tôi, cùng chứa chất một mối căm giận kẻ thù. Các đồng chí đang mong đợi ở tôi những tin tức mới, tình hình bên ngoài bốn bức tường đá. Đúng là "tình hình bên ngoài" đang có nhiều biến chuyển lớn lao mà ở trong tù này không hiểu rõ hết được. Bị bắt sau các đồng chí nên không những tôi biết rõ sự phát triển của đại chiến thế giới lần thứ hai, nắm được Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (họp năm 1941) mà còn được quán triệt Nghị quyết của Thường vụ Trung ương (mới họp hồi tháng 2 năm 1943) với phương hướng hoạt động cụ thể của Đảng trước tình hình mới.
 Việc trước tiên đối với các đồng chí là chăm sóc sức khỏe cho tôi. Thuốc men không có gì ngoài một ít thuốc đỏ, thuốc xoa dành dụm cất giấu được. Các đồng chí ngày đêm xoa bóp cho tôi, lại còn nhường thức ăn, quà bánh để bồi dưỡng. Còn tôi cũng tranh thủ mọi hoàn cảnh để truyền đạt lại những hiểu biết mới mẻ của mình cho các đồng chí. Được biết cục diện chiến tranh ngày càng thay đổi có lợi cho phe Dân chủ với những tin thắng lợi dồn dập của Hồng quân Liên Xô và của Hồng quân Trung Hoa trong những cuộc phản công như vũ bão. Ai nấy đều vui mừng bật lên những tiếng hoan hô hởi lòng hởi dạ. Các đồng chí càng vô cùng phấn khởi trước nhận định chắc chắn của Đảng: Liên Xô và Mặt trận Dân chủ sẽ thắng, cách mạng sẽ bùng nổ ở nhiều nước, chế độ dân chủ sẽ được mở rộng ở nhiều nước trên thế giới. Tin vui như luồng gió mạnh truyền nhanh khắp các trại, các khám. Mọi người đặc biệt chú ý tới phần Nghị quyết của hội ng hị Thường vụ Trung ương (từ 25 đến 28 tháng 2 năm 1943): "Toàn bộ công tác của Đảng lúc này phải nhằm vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, để một khi cơ hội đến, kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu". Nghị quyết này được Xứ ủy Bắc Kỳ, họp ngày 13 tháng 11 năm 1943, cụ thể hóa thêm. Những cuộc trao đổi bàn bạc về các vấn đề trên rất sôi nổi dù chỉ là tay đôi, tay ba.
 Mục tiêu giải phóng dân tộc đã thu hút suy nghĩ của mọi người. Vấn đề vượt ngục vốn đã được nung nấu từ lâu nay lại càng trở nên cấp bách, thôi thúc hơn. Chúng tôi cần phải vượt ngục để nhanh chóng trở về với phong trào, với quần chúng trong lúc tình thế đương sôi sục, góp một phần sức mình vào thời cơ đặc biệt này. Riêng tôi, tôi cũng thầm tính rằng nếu ở đây chưa kịp trốn mà đã bị đưa đi Sơn La hay nơi nào khác thì cũng nhất quyết phải trốn bằng được. Chưa có biện pháp cụ thể để thoát ra ngay nhưng chúng tôi ai nấy đều cho rằng thế nào cũng phải ra bằng được.
 Để nâng cao năng lực hoạt động của mình cho Đảng sau khi thoát tù, chương trình huấn luyện của chúng tôi về các mặt, đặc biệt là quân sự và chính trị, được tăng cường. Chúng tôi tổ chức nghiên cứu chiến lược, chiến thuật quân sự. Ngay ở trong buồng giam chật hẹp, chúng tôi cũng cố gắng khắc phục khó khăn để tập lăn lê, bò toài, tập động tác ném lựu đạn, có khi còn cuốn chiếu lại giả làm súng để tập. Về mặt chính trị thì ngoài việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng và tình hình thời sự, chúng tôi tích cực học làm công tác tuyên truyền xung phong, tập diễn thuyết theo chương trình Việt Minh. Tôi thường được cử phụ trách dạy quân sự, đồng chí Lê Tất Đắc bồi dưỡng anh em về công tác bí mật... Người biết dạy người chưa biết, người biết ít học người biết nhiều, chúng tôi học tập, dạy bảo lẫn nhau. Khi hai ba, khi dăm sáu đồng chí, vừa làm vừa bổ khuyết, vừa học vừa góp ý lẫn cho nhau. Chẳng phải tổ chức kiểm tra, sát hạch gì nhưng ai nấy đều rất chăm chỉ. Tôi còn nhớ là đồng chí Nguyễn Tuân (nay là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) có rất nhiều tiến bộ về môn diễn thuyết tuyên truyền xung phong và luôn được anh em biểu dương.
 Riêng phần sức khỏe của tôi cũng mỗi ngày một khá hơn do sự chăm sóc hết lòng của các đồng chí. Chỉ sau ít ngày là tôi đã dần tham gia được mọi việc chung. Hồi này, trong ngục Hỏa Lò có thành lập "Ban sinh hoạt " - một tổ chức công khai do các đồng chí trong Đảng bí mật chỉ đạo để giao dịch, đấu tranh công khai với địch trong nhà tù. Ban này gồm khoảng gần chục người, hầu hết là các đồng chí cốt cán của Đảng phân công nhau phụ trách các mặt: đồng chí Nguyễn Tuân là ủy viên Tài chính, đồng chí Vân tức Phan Lang (nay là Chánh văn phòng Bộ Công nghiệp nặng) là ủy viên trật tự vệ sinh. (Các ủy viên khác như ủy viên cứu tế, ủy viên văn hóa... cũng là người của Đảng nhưng do lâu ngày không gặp lại nên tôi không nhớ hết tên và phần việc từng người). Tôi được các đồng chí tín nhiệm cử làm trưởng ban. Với danh nghĩa công khai, việc liên lạc giữa các ủy viên trong Ban sinh hoạt với nhau tuy không được tự do và dễ dàng nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn. Ngoài ra, việc bố trí để gặp gỡ trao đổi tin tức, nói chuyện với các đồng chí khác cũng phải khéo léo lắm mới che mắt được quân thù. Đối với tù chính trị nói chung, bọn địch đã ngặt nghèo thì đối với tù Cộng sản chúng càng ngặt nghèo hơn (thời kỳ này có cả một số ít đảng viên Đảng Đại Việt, tay sai của Nhật cũng bị giam ở đây). Chúng giam từng loại tù vào từng khu riêng, mỗi khu lại chia ra nhiều trại, có trại phân ra từng xà lim cách biệt. Trước bao nhiêu lần tường cao, cổng kín như thế, chúng tôi đã dùng mọi cách để giữ vững liên lạc với nhau: ám hiệu gõ vào tường, đặt "hòm thư" bí mật, thông tin dây chuyền... và triệt để lợi dụng những thời cơ để gặp nhau một cách hợp pháp. Trong những cách này, tôi nhớ nhất cách đã dùng trong những ngày thứ bảy hàng tuần. Chả là vào ngày đó, bọn địch vẫn cho tù ra khu chia cơm (chỗ này rộng rãi và thuận tiện hơn) để nghe tên Đơ-ni-pha-két giảng đạo (thằng cha này người Gia-nã-đại[[3] Canada.3], là phản động đội lốt thày tu có tên Việt Nam là Quý - tức cố Quý). Biết rằng kết án và tống giam thể xác chúng tôi chưa đủ, bọn cướp nước muốn luận tội và bỏ tù cả tâm hồn, tư tưởng chúng tôi nên chúng tiến hành việc đó rất thường xuyên. Chúng tôi cũng mong đợi những buổi này và thường gọi đùa đó là "chiều giải phóng". Không phải để nghe đạo lý của kẻ cướp mà nhân cơ hội này để gặp gỡ, bàn bạc với nhau những việc riêng của chúng tôi, còn bọn địch có khản cổ thì mặc xác chúng.
 Những "chiều giải phóng", tôi, đồng chí Nguyễn Lam và vài đồng chí khác thường ngồi cạnh một gốc cây bàng non. Cây bàng rất mau lớn, cành mỗi ngày một dài ra, lá mỗi ngày một xanh và nhịp độ hoạt động của chúng tôi cũng mỗi ngày một tăng, một khẩn trương. Đặc biệt, vấn đề chuẩn bị vượt ngục rất được chú ý, tuy vẫn chưa có được một biện pháp nào.
 Một bữa, bọn Pháp có lệnh bất thường gọi tất cả tù chính trị ra ngoài sân. Chúng tôi bước ra, đưa mắt hỏi nhau chưa hiểu duyên cớ gì. Một tên giám thị người Pháp chỉ tay ra hai góc sân rồi bảo thông ngôn nói lại, đại ý: Ai là Cộng sản thì đứng một bên, ai theo Nhật thì đứng một bên .
 Tại sao địch lại dùng đến cách này? Nó có thể tra tìm trong hồ sơ, trong sổ mật của chúng thì chẳng thể nhầm lẫn được kia mà?! Tuy chưa rõ mục đích của địch để có chủ trương đối phó cho sát nhưng chúng tôi, không ai bảo ai, những người Cộng sản, đều bước về một phía không chút ngập ngừng. Hàng bên kia trơ lại một dúm mấy tên thân nhân Nhật đang ngơ ngác, sợ sệt. Tên giám thị chỉ đưa mắt liếc qua cái đám chó săn không phải của nó ấy, rồi quằm quặm nhìn đội ngũ chúng tôi đông đủ không thiếu một người và không một ai tỏ chút dao động nào. Nó bực bội quay gót đi ra và lầu bầu câu gì không rõ. Giở trò này, bọn địch có âm mưu gì đối với chúng tôi? Quân Đồng minh đang thắng lợi, sắp đánh vào Đông Dương nên bọn Pháp ở đây chủ trương sẽ thả một số tù nhân? Hay là nó thăm dò để chuẩn bị thủ tiêu những người Cộng sản "ngang ngạnh"?
 Như nước với lửa không thể hòa hoãn, trên cơ sở xác định bản chất tàn bạo của kẻ thù, chúng tôi nhanh chóng thống nhất nhận định là khả năng thứ hai nhiều hơn. Thế là vấn đề vượt ngục đối với chúng tôi lúc bấy giờ càng trở nên cấp thiết. Cuộc trao đổi giữa tôi và một số đồng chí chủ chốt còn cụ thể thêm là hễ có điều kiện trốn thì các đồng chí bị kết án nặng sẽ đi trước. Đối với quân thù thì các đồng chí đó là đối tượng thủ tiêu trước tiên, còn đối với chúng tôi thì các đồng chí đó cũng là người cần được bảo vệ trước nhất.
*
* *
 Đầu tháng 3 năm 1945.
 Phong trào cách mạng ở bên ngoài trước kia đã sôi sục thì hồi này càng sôi sục hơn. Tuy bị giam cầm giám sát rất chặt chẽ, chúng tôi, bằng mọi cách, cũng tìm hiểu được tình hình chung. Ngoài nguồn tin nội bộ, có bộ phận vẫn bí mật liên hệ mua được các loại báo Đông Pháp, tin mới. Có đồng chí tìm cách làm quen được với một viên giám thị thuộc phái Đờ-gôn[[4] Phái theo Đờ-gôn (De Gaulle) chủ trương chống phát xít ở Pháp.4], thỉnh thoảng cũng moi được ở hắn một ít tin tức. Thất bại cuối cùng của toàn bộ phe phát xít chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi và triển vọng sáng sủa của cách mạng Việt Nam cũng đã khá rõ ràng. Tình hình bên ngoài càng đáng phấn khởi bao nhiêu thì ở trong tù, vấn đề vượt ngục của chúng tôi càng thêm thôi thúc riết, ai nấy đều tin rằng sẽ thoát được, càng tích cực chuẩn bị mọi mặt. Chúng tôi rất chú ý đến công tác tuyên truyền xung phong, vận động quần chúng vũ trang khởi nghĩa sau khi thoát ngục, nên thường xuyên tổ chức tập diễn thuyết, người làm "diễn giả", người làm "quần chúng", hoặc khi có một mình thì vừa đóng vai người nói lại vừa coi mình là người nghe để "sát hạch" lại mình.
 Một hôm, khoảng 9 giờ tối, ở trong buồng giam, tôi định thần, im lặng như nhà sư ngồi "tham thiền nhập định", ôn lại nội dung chương trình Việt Minh. Tôi tưởng tượng ra một đám đông quần chúng trước mặt rồi nhẩm lại thứ tự định nói... Bỗng giật mình vì đèn điện phụt tắt kèm theo mấy tiếng nổ lớn. Sau đó là tiếng súng máy, súng trường nổ ran. Lại có tiếng chân người chạy huỳnh huỵch phía ngoài... Nhật, Pháp đánh nhau rồi! Tôi tin chắc như vậy vì Nghị quyết của Thường vụ Trung ương họp tháng 2 năm 1943 đã nhận định: Nhật muốn hất cẳng Pháp để độc quyền chiếm Đông Dương. Những tin tức gần đây càng chứng tỏ hai con chó tranh ăn tất phải cắn nhau. Đa số các đồng chí khác cũng nghĩ như thế. "Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Nhật Pháp bắn nhau rồi!..." . Những lời trao đổi, những tiếng đập tường gọi nhau nổi lên cùng một lúc ở khắp các trại. Các đồng chí ở các buồng giam đều phấn khởi. Có bộ phận thấy một tên giám ngục liền hỏi nó. Tên này hốt hoảng líu cả lưỡi: "Nhật... Nhật nó đánh...". Một lát sau, tên giám ngục người Đức mà chúng tôi quen gọi là "Gioong", tới khu tôi bị giam, cũng bảo: "Nhật đánh Pháp rồi...!".
 Bước ngoặt của tình hình đây rồi! Nghĩ thế và tôi đoán Nhật sẽ thắng Pháp.
 Tiếng súng thưa thớt dần và sau đó các chòi lô cốt xung quanh trại giam đều do lính Nhật gác. Lập tức, ở trong các buồng giam đều có những cuộc trao đổi của các đảng viên Cộng sản để nhận định tình hình và xác định thái độ, phương thức hành động... Tuy chỉ là những cuộc trao đổi riêng lẻ vì bị giam ở nhiều nơi không liên hệ rộng rãi với nhau được nhưng do đường lối, chủ trương của Đảng đã vạch sẵn từ trước nên nói chung, chúng tôi đều có những thái độ giống nhau ở những điểm chính:
 - Kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết, tư thế của người Cộng sản, không để bọn phát xít Nhật lợi dụng.
 - Triệt để tranh thủ lúc tình hình còn rối ren, bọn Nhật chưa đứng chân vững, tổ chức của địch còn rời rạc, lỏng lẻo để tạo cơ hội vượt ngục khẩn trương. Đây là thời cơ có một không hai...
 Chừng vài tiếng đồng hồ sau, một tên sỹ quan Nhật có một tiểu đội lính Nhật đội mũ sắt, mang súng, lưỡi lê hộ vệ cùng vài tên Việt gian thân Nhật mang theo cờ Nhật vào các khu trại giam. Chúng đi tìm mấy tên tay chân đầu sỏ của chúng và thăm dò thái độ tù chính trị. Tới khu trại dài, tên sỹ quan hỏi:
 - Có phải tù chính trị không?
 - Phải! - Anh em thản nhiên trả lời.
 Nó bảo thông ngôn nói lại: "Bây giờ người Nhật đã đánh bại quân Pháp giúp nước Việt Nam được độc lập rồi, mai sẽ thả các anh ra...”. Nó mở các khóa cửa đi vào xem một lượt và hỏi thêm: "Các anh có hoan hô người Nhật không?". Có hai tù chính trị thuộc Đảng Đại Việt hưởng ứng, vỗ tay lẹt đẹt. Anh em tù Cộng sản vẫn đứng yên. Cái vỏ thân mật hời hợt bề ngoài của tụi Nhật không thể che nổi cái dã tâm phát xít bên trong, dù cố dấu cũng vẫn thập thò trong ánh mắt gườm gườm của chúng. Anh em thừa biết chúng nó xảo trá, muốn lợi dụng anh em, gây ảnh hưởng chính trị có lợi cho chúng. Tương kế tựu kế, đồng chí Tuân muốn nhân cơ hội này để tạo thêm điều kiện vượt ngục nên khi tên Nhật quay ra đến cửa, đồng chí liền đi theo và nói: "Các ông đã nói sáng mai sẽ thả chúng tôi, vậy yêu cầu các ông cho mở thông cửa các trại để chúng tôi tiện gặp mặt chia tay nhau trước khi về quê quán!". Tên sỹ quan gật đầu, ra hiệu đồng ý. Sau đó, bọn chúng lại kéo nhau đi sang trại khác.
 Khi chúng tới trại tôi bị giam, tất cả tù Cộng sản đều ngồi yên không tỏ thái độ gì. Bọn Nhật đi rồi, một đồng chí chưa có kinh nghiệm đấu tranh hỏi tôi:
  - Sao không hoan hô nó một tí để lợi dụng nó tha mình có hay hơn không?
- Thế là mơ hồ. Ta với nó là kẻ thù không thể cùng sống với nhau, đừng hy vọng nó tha. - Tôi bảo thẳng thế và nói thêm rằng: không những nó không tha mà còn tìm cách thủ tiêu những người Cộng sản. Muốn thoát thì không gì hơn là tự tìm cách trốn.
 Đêm ấy là đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945. Hầu hết chúng tôi không ai ngủ được. Tôi hết sức chú ý nghe ngóng, suy nghĩ, tự đặt ra nhiều giả thiết để liệu thời ứng phó, nhất là để vượt ngục. Nhưng tình hình cũng chưa có gì mới. Chúng tôi vẫn không liên lạc được với nhau. Những cửa sắt vẫn khóa chặt với những bức tường bốn bề chắc chắn.
 Sớm ngày 10 tháng 3. Khi ánh ban mai còn mờ mờ sau hàng chấn song cửa xà lim, bắt đầu một ngày mới trong nhà tù thì tôi cũng bắt đầu dần dần nhận thấy rất nhiều sự thay đổi mà trước kia chưa từng có trong Hỏa Lò. Tất cả các quy định, chế độ thường lệ như đi tuần, giám thị gọi tên, điểm số tù v.v... đều không thấy có. Bọn Pháp từ chúa ngục, giám thị tới lính canh, viên chức đều bị giam vào trong một buồng (ngay lối cửa vào buồng giam tôi) cùng với một số Tây, đầm ở nơi khác mới bị bắt đưa đến. Mới qua chưa được một đêm mà chúng nó mặt cắt không còn hột máu, phờ phạc, hốc hác, đứa cầu kinh, đứa rên rỉ khóc lóc, đến là thảm hại! Các giám thị cai ngục, viên chức người Việt cũng bỗng nhiên mất hết vẻ bình thường hàng ngày. Họ không cười cũng không dám nói to, tránh mặt cả tù lẫn Nhật. Cao Còng - một tên đao phủ khét tiếng tàn ác, uống máu người không tanh - lúc này cũng như chó cụp đuôi, mặt cúi gầm, lấm la lấm lét. Nực cười nhất là lúc nó trông trước trông sau, dọn giọng, ngập ngừng tỏ ra "thông cảm" với tù và "oán thán" cho "cái nghề bắt buộc" của nó. Đặc biệt là để mua chuộc, lợi dụng tù chính trị, bọn Nhật trong lúc còn chân ướt chân ráo, đã chấp nhận yêu cầu của chúng tôi, không khóa một số cửa, để tù chính trị đi lại thông nhau giữa các trại dài, trại lô cốt, trại D.
 Riêng buồng giam tôi vẫn bị khóa vì ngay trước cửa ra vào có bọn Tây bị giam. Khu xà lim tử tù giam đồng chí Trần Đăng Ninh rất khó có điều kiện đi lại. Lúc này, bọn Nhật chỉ cắt gác bốn lô cốt ở bốn góc Hỏa Lò, cửa chính và cửa ngăn khu trong với khu ngoài.
 Sau này, tôi được biết thêm là lúc đó khu nhà kho cũng đã bị mở cửa lục lọi lung tung. Bọn Nhật lục soát một lần, sau đó những đồ dùng, quần áo lành lặn, đáng tiền còn lại đều bị tù thường phạm nhân lúc hỗn độn vào lấy hôi rất nhiều. Họ còn lấy cả cuốc, xẻng để làm dụng cụ tìm cách thoát thân.
 Rồi trưa hôm ấy, đã quá giờ khá lâu mà cơm tù vẫn chưa có.
 Tóm lại là tình hình trong ngục Hỏa Lò lúc này rất rối ren, mất hết cả cái “trật tự” chặt chẽ, quy củ trước kia. Sự hỗn độn do việc thay thầy đổi chủ này rất có lợi cho chúng tôi, vượt quá cả sức mong đợi của tôi. Lợi dụng thời cơ rất hiếm có này, anh em đã tranh thủ đi liên hệ, bàn bạc với nhau; đi khắp mọi nơi có thể được để dò tìm lối ra...
Trong khi các anh em ở ba trại trên đi lại tương đối thoải mái thì tôi vẫn phải bó gối trong buồng giam. Nhắc đến cái bọn Tây, đầm "mẫu quốc" này mà lại thấy tởm. Chúng nó lạy lục bất kể tên Nhật nào, tranh nhau miếng ăn, cãi lộn om sòm... Có một con đầm còn trẻ, thiếu ăn không chịu được đã bán thân cho bọn lính Nhật. Bọn này cứ đứa nọ thay đứa kia mang kẹo bánh tới rồi dẫn con đầm đi một lúc.
 Nhân cơ hội này mà không mạnh bạo làm thì không được, tôi nghĩ thế và tìm cách tự ra lấy. Tôi cởi quần dài, xoắn hai ống quần cho săn gọn, rồi quấn quanh hai chấn song sắt, sau đó lùa một cái cây chắc vào vặn thít lại như người ta thít dây "ga-rô" ở vết thương. Cách làm này không cần nhiều sức nhưng rất hiệu nghiệm: hai chấn song sắt bị sức xoắn kéo cong veo, sát lại với nhau như cổ chầy. Kẽ hở còn nhỏ, tôi lại làm như thế ở hai chấn song bên cạnh. Kết quả sau hai lần vặn đã mở được một lối vừa đủ để lách người ra. Thế là tôi ra được với anh em. Nhưng cũng còn gay go, vì dù sao chúng tôi vẫn chỉ loanh quanh ở khu giam tù chính trị, nơi bọn địch để ý nhiều hơn. Muốn được tự do thì còn phải qua nhiều lần cổng, nhiều lần tường cao với những vọng gác có lính Nhật lăm lăm súng trong tay, sẵn sàng nhả đạn... Tuy vậy, ra được tới đây, rộng cẳng hơn một chút cũng đã là tốt. Tôi vội vàng liên lạc với các đồng chí khác. Không cần trao đổi lâu, chúng tôi cũng nhận rõ rằng: phải khẩn trương tìm cách trốn ngay, trốn thật nhanh. Để lâu, bọn Nhật vững chân, tổ chức chặt chẽ lại thì sẽ khó khăn gấp bội, không những thế lực lượng của ta còn có thể bị thiệt hại nặng nếu quá rụt rè, chậm trễ. Do đó, việc nghiên cứu kế hoạch trốn không phải chỉ do một ban, một nhóm mà tất cả mọi người đều ra sức sục sạo tìm kiếm. Tôi chủ trương: ai có điều kiện trốn được lúc nào cứ trốn và các đồng chí án nặng phải lo sao đi được sớm.
 Từ trước, mọi người đều đã chuẩn bị sẵn tiền để chi dùng sau khi thoát ngục. Bấy giờ, tôi bàn với đồng chí Tuân đem nốt số tiền quỹ chia cho từng người. Quỹ này do các đảng viên và tù chính trị đóng góp, tôi không còn nhớ chính xác bao nhiêu, nhưng chắc cũng có khoảng dăm, bảy trăm đồng.
 Sau khi chia tiền cho mọi người, đồng chí Tuân nảy ra một mẹo rất hay. Chả là nếu chỉ cứ ở trong khu giam tù chính trị thì rất khó trốn, đồng chí Tuân nghĩ cách trà trộn sang với tù thường phạm. Nhân việc muộn cơm, nhân danh “ủy viên Ban sinh hoạt”, đồng chí bảo một cai ngục người Việt:
- Cơm nước của chúng tôi mà để chậm như thế là không được. Các anh phải cho vài người chúng tôi ra để giải quyết thẳng với nhà bếp.
Lần đầu tiên, tên này tỏ ra quan tâm đến việc ăn uống của tù và phàn nàn về sự "khiếm khuyết" đó. Hắn nhận lời là đến 2 giờ chiều sẽ mở cửa cho một số tù nhân ở trong Ban sinh hoạt được tới nhà bếp (nhà bếp thuộc khu giam tù thường phạm). Đồng chí Tuân liền báo tin ấy cho các đồng chí khác và kiếm giấy bút viết mấy chữ liên lạc với đồng chí Trần Đăng Ninh. Viết xong, đồng chí Tuân đạp chân vào tường làm hiệu rồi ném thư vào, giục đồng chí Ninh tranh thủ ra với chúng tôi để lợi dụng cơ hội cùng trà trộn sang khu thường phạm.
Thỉnh thoảng lại có bọn Nhật ở nơi khác tới mở cửa trại giam, xem xét mọi nơi. Nhân khi chúng sơ hở, đồng chí Ninh nhanh nhẹn lẩn ra ngoài rồi đến "phòng thuốc" giả vờ ốm, nằm trùm chăn kín mít, không về nữa. Hôm đó là ngày 11 tháng 3. Tôi đưa thêm cho đồng chí Trần Đăng Ninh 20 đồng. Đồng chí muốn nhường anh em khác nên không nhận. Tôi nói với đồng chí: "Mọi người đều có cả rồi. Tình hình gay go, anh ra trước phải có tiền chi dùng...". Lúc đó đồng chí mới chịu cầm.
Trong khi kế hoạch của đồng chí Tuân còn phải chờ đến giờ tên cai ngục đã hứa mới thực hiện được thì tôi đã có cách đi khác. Thấy một tù thường phạm đội cơm đi qua, tôi lấy lời lẽ thuyết phục rồi cho anh ta ít tiền để anh ta nhường tôi đội thùng cơm và đổi quần áo cho tôi. Với bộ quần áo thường phạm và thùng cơm trên đầu, tôi đàng hoàng đi qua mặt tên lính Nhật đứng gác, ra khu thường phạm.
Đồng chí Hòa, đồng chí Vân (tức Phan Lang) cũng lọt ra được khu giam tù thường phạm bằng cách tương tự. Khi hai tù thường phạm đem cơm vào trại lô cốt (trại giam các đồng chí Hòa, Vân) rồi ra vòi nước rửa tay. Nhìn thấy thùng cơm đặt dưới đất, đồng chí Vân chợt nghĩ ra và nói ngay với đồng chí Hòa: "Mình với cậu lỉnh ra thôi!". Nói rồi, Vân cùng Hòa lẳng lặng khiêng thùng cơm đi ra phía cửa, bỏ cả ăn bữa ấy. Tên lính Nhật ngỡ rằng các đồng chí cũng làm việc đi chia cơm nên cứ để mặc cho đi. Thoát ra đến khu giam thường phạm rồi, các đồng chí tới ngay nhà kho trút bộ quần áo tù chính trị ra, chọn mặc bộ xanh của tù thường phạm vào. Khi ra, các đồng chí không quên mang theo cả chăn, đề phòng khi vượt ngục cần đến. Thêm đồng chí Cử (tức Cử “hột”) cũng vừa tới. Thấy mái và tường khu nhà thuốc ở cạnh dễ trèo, ba đồng chí bảo nhau chờ đến đêm sẽ ra bằng lối đó.
Khoảng hai giờ chiều, bọn cai ngục y hẹn đã cho tù chính trị ra khu nhà bếp. Nói là vài người nhưng các đồng chí ta cứ nối gót nhau ra được khá đông.
Việc làm đó của chúng tôi chỉ cần che mắt bọn Nhật. Trong số cai ngục, viên chức người Việt cũng có kẻ biết nhưng họ làm lơ đi. Đối với tù thường phạm thì hành động của chúng tôi chẳng trở ngại gì cho họ vì bản thân họ cũng không chịu thua kém chúng tôi trong việc tìm cách vượt ngục, có người còn rất liều lĩnh nữa là khác. Chả thế mà đang giữa trưa, một tù thường phạm đã trèo tường phía nhà bếp, leo lên mái, vừa bò vừa lấy tay vẫy ra hiệu cho đồng chí Vân và nhiều người khác, làm các trại xôn xao.
Đồng chí Tuân còn kể lại rằng đồng chí Xưa đã trốn thoát trong một cơ hội khá đặc biệt. Anh Xưa sắp hết hạn tù nên trước đó đã được để tóc. Anh còn vận động một viên chức người Việt mang giúp vào cho một bộ quần áo tây bằng lụa màu mỡ gà để chuẩn bị ngày ra tù. Lợi dụng lúc tụi canh cổng đổi gác, đúng vào giờ ra vào của viên chức, Xưa thắng bộ quần áo diện rồi cứ thế đường hoàng đi ra như những viên chức khác. Thế mà thoát!
Nghe nói, còn có một số nữ đồng chí của ta cũng thoát được bằng cách thay đổi quần áo đi lẫn vào đám dân thường (bà con tới thăm người thân bị tù) mà địch cũng không biết.
Cũng có người muốn đục tường phá ngục lấy đường ra... nhưng ý kiến này lập tức bị gạt bỏ vì như thế chỉ làm mồi ngon cho những viên đạn trung liên của bọn Nhật ở trên các vọng gác. Chúng tôi khẳng định là phải khẩn trương, mạnh dạn lợi dụng thời cơ nhưng lại không được liều mạng vô ích.
Mọi người vẫn tự lùng sục khắp nơi, ngắm từng mái nhà, góc tường, cành cây, cánh cửa...
Chiều ngày 11 tháng 3, sau khi lọt được sang khu thường phạm, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng vài đồng chí nghiên cứu kế hoạch trốn.
Các đồng chí xé chăn ra bện lại và nối với nhau thành một cái dây dài khá chắc. Khoảng 9 giờ tối hôm đó, mọi người được mở khóa, lẻn tới trại dài, công kênh nhau dỡ mái nhà trèo lên, lần tới nơi có khoảng cách ngắn nhất giữa mái nhà và tường bao của Hỏa Lò. Dây bện bằng chăn được buộc vào mái nhà, còn đầu kia thì tung ra móc vào cọc mắc dây điện. Lúc này, nhiều tù thường phạm biết lối đi cũng tranh nhau trèo lên mái nhà, leo ra, làm đồng chí Trần Đăng Ninh đã bám được dây mà không chen nổi. Một trùm thường phạm thấy thế liền ngăn các tù thường phạm lại và bảo: “Chúng mày có ra được thì cũng đến đi ăn cắp thôi, để cho các anh ấy đi trước!”. Sẵn bụng kính phục tù chính trị nên cánh tù thường phạm nghe theo và nhường đồng chí Ninh đi trước. Đồng chí Ninh leo tới nửa dây thì có tiếng lính Nhật ở hai vọng gác gọi nhau xị xộ. Sợ bị lộ, đồng chí Ninh gắng sức leo nhanh, bám được cọc sắt rồi nhảy xuống đất.
Cũng đêm ấy, một nhóm khác (trong đó có đồng chí Vân) đã leo được lên mái nhà phòng thuốc, nơi ngắm sẵn từ ban ngày, đang chuẩn bị vượt sang tường rào thì nghe có tiếng ồn ào, ngói rơi loảng xoảng nên phải tụt xuống. Chả là ở mé đồng chí Ninh, số người còn lại sợ bọn Nhật bắn, không dám sang nữa. Tù thường phạm chen nhau trở về lối cũ làm vỡ ngói rơi xuống đường "Rông" (đường bên trong Hỏa Lò dùng để bọn lính đi tuần tra quanh các khu trại). Lối ra bằng cách vượt tường ban đêm không dùng được nữa và cả kế hoạch dỡ ngói của đồng chí Tuân cũng không dám thực hiện.
Biết đồng chí Trần Đăng Ninh đã ra được, tôi mừng lắm. Tuy nhiên biết rằng, lọt ra ngoài tường chưa phải là đã hết khó khăn nhưng dù sao thì trăm phần cũng cầm chắc thoát tới chín mươi chín rồi. Thế là phong trào lại có thêm cán bộ vững vàng, nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Vui vì đồng chí Ninh đã thoát bao nhiêu, tôi càng suy nghĩ bấy nhiêu về bộ phận còn lại. Đồng chí Ninh đi rồi, trách nhiệm của tôi đối với các đồng chí ở đây càng thêm nặng. Phải lo cho mình trốn và cũng phải lo cho mọi người cùng trốn, không để địch sát hại người nào của Đảng. Nhưng còn biết bao khó khăn chưa khắc phục, biết bao giả thiết chưa có một giải đáp chắc chắn, cụ thể.
Tôi ngẫm nghĩ mãi. Phong trào ở ngoài đang đòi hỏi chúng tôi phải cấp thiết tự giải phóng để rồi cùng dân tộc đứng lên giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ. Mặt khác, bọn quân phiệt Nhật có thể giết hại chúng tôi trước khi chúng bị thua hẳn. Tình thế cấp bách đã đến độ mà thời cơ thì quả thật chưa bao giờ lại được như thế này!
Tôi bóp óc tính toán. Hàng chục biện pháp vượt ngục khác nhau cùng hàng chục tình huống và cách xử trí cứ như quấn lấy óc tôi. Trời sáng nhanh quá. Mải suy nghĩ, lại thức trắng đêm nữa rồi! Tôi vùng ngồi dậy, trong đầu vẫn căng thẳng với những tính toán vượt ngục và chỉ những tính toán vượt ngục mà thôi. Tôi liên hệ, hỏi han các đồng chí khác, dòm ngó, ngắm nghía mọi nơi... Vẫn chưa ai tìm được biện pháp nào tốt.
Biết khu giam tù thường phạm nhốn nháo, nhiều người đang tìm cách trốn, tôi thử tính đến nước vận dụng lực lượng này. Lúc tôi đến, một số tù thường phạm đang phá nền xi măng nhà giam, định đào đường hầm ra ngoài. Nền xi măng đã có những vết cuốc chim bổ lỗ chỗ. Cách này lâu và rất khó nhưng vì đang bí, chưa tìm được cách nào hơn nên tôi cũng cứ tìm gặp mấy người cầm đầu, khuyến khích và cho họ ít tiền.
Quả thật chưa bao giờ tôi thấy cảnh vượt ngục nhộn nhịp như thế. Không tin tưởng vào cách đào nền xi măng, tôi tiếp tục quanh quẩn ngắm nghía khắp mọi chỗ dù đã nhiều lần quan sát. Bỗng tôi chú ý tới một tấm xi măng hình vuông trong sân nhà giam. Đó là tấm xi măng như mọi tấm xi măng khác, chỉ khác là nó có cái vòng sắt ở giữa. Tấm xi măng đã hút chặt ánh mắt tôi, thu hết tâm trí tôi, gây nên trong tôi một sự hồi hộp lạ thường. Có thể là lối ra đây rồi! Đó là một chiếc nắp đậy cửa cống ngầm. Mà đường cống ngầm thì nhất định không chỉ loanh quanh trong nhà giam.
Sở dĩ tôi quan tâm tới cái nắp cống này, vì một mặt Đảng thường giáo dục nhắc nhở tôi cần phải chuẩn bị mọi cách đối phó với kẻ thù trước khi sa lưới; mặt khác, qua những lần bị bắt với những lần vượt ngục không thành đã dạy tôi nhiều bài học thực tế. Lúc rảnh tôi hay nghiên cứu cách mở khóa, mở cổng, dự kiến những kế hoạch vượt ngục. Trong những kế hoạch dự kiến có cả cách ra bằng đường cống nên nhiều lần tôi tò mò xem anh em phu cống làm việc, hỏi han rồi quan sát cửa cống, lòng cống...
Bây giờ nắp cống ngầm trước mặt đã gợi cho tôi nhớ lại những chuyện vượt ngục xảy ra trong thực tế và trong tiểu thuyết. Những kế hoạch trốn khác trong đầu bỗng mờ nhạt đi nhanh chóng. Tôi tập trung suy nghĩ vào phương án trốn bằng đường cống ngầm.
Tôi lập tức trao đổi với mấy đồng chí. Có đồng chí không tin nhưng tôi vẫn cho rằng đó là lối ra hay nhất lúc này, dù không dễ dàng gì. Sau khi nhẩm tính cẩn thận, tôi thầm chọn vài đồng chí là thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát lại quen thông thổ Hà Nội, bàn việc thăm dò đường cống. Cùng lúc ấy, một số đồng chí cũng tính đến việc ra bằng lối cống.
Trưa hôm đó có hai tù nhân mới từ Sơn La về, đợi ngày được tha. Bọn Nhật đưa họ vào giam tạm ở Trại J (còn gọi là Trại trẻ con), tiếp giáp với khu xà lim án chém. Lợi dụng lúc nhốn nháo, ba đồng chí Vân, Hòa, Cử cùng lẻn vào theo. Trông thấy một nắp cống, ba đồng chí bàn với nhau: May ra thoát được bằng lối này. Vân bàn với Hòa và Cử:
- Mình gác cho hai cậu nhỏ người chui xuống xem!
Chờ lúc vắng người, họ dùng nẹp cùm bẩy nắp cống lên. Hòa, Cử theo nhau chui xuống cống, Vân cẩn thận đậy nắp cống lại rồi vào lẩn trong nhà, nằm canh. Mới được 5 phút, Vân sốt ruột dò ra cửa cống, nghe ngóng. Không thấy động tĩnh gì, đồng chí lại vào. Cứ thế hai ba lần. Khoảng nửa giờ sau thì có ám hiệu gõ cộc cộc dưới nắp cống. Vân nhanh nhẹn giúp hai người mở nắp cống chui lên. Cả Hoà, Cử lấm láp, bê bết bùn cống, hơi thối nồng nặc. Cũng lúc ấy, có một số người khác nom thấy, cả tù chính trị lẫn tù thường phạm. Họ đổ xô lại hỏi. Hòa và Cử đều lắc đầu, tỏ vẻ chán nản:
- Gay go lắm, chả ăn thua gì!
- Tắc không đi được!
Sau khi mọi người đã tản đi rồi, Hòa và Cử mới nháy Vân, vui vẻ thì thào:
- Đi được rồi, được rồi!
- Mình đã nhìn thấy cả xe đạp trên đường phố...
Gặp tôi, đồng chí Vân cho biết ngay tình hình đã thăm dò được. Thế là việc thoát bằng lối cống đã được ba đồng chí chủ động phát hiện. Đúng lối đi đây rồi!
Tôi nghĩ vậy và khẩn trương trù tính tiếp kế hoạch cụ thể. Tuy đã có lối cống để ra nhưng ngay ở đây và nhất là ở “ngoài kia” chắc còn có nhiều khó khăn bất ngờ nên phải chú ý đề phòng. Tôi cho rằng lối này có thể ra được nhiều người nhưng đi đông quá sẽ dễ bị lộ và chắc chắn cũng chỉ có thể giữ được bí mật lúc đầu mà thôi. Tôi nhẩm tính danh sách các đồng chí sẽ đi đợt đầu, trong đó có các đồng chí bị án nặng. Quần áo thường dân cho các đồng chí thì tôi đã chuẩn bị được ít nhiều...
Đang suy tính, tôi thấy đồng chí Tuân nhớn nhác đi tới. Tôi vẫy Tuân lại, nói nhỏ:
- Có lối đi rồi, chuẩn bị đi thôi.
- Đi lối nào, anh? - Tuân hỏi tôi, ánh mắt lộ rõ vể mừng rỡ.
- Lối cống. - Tôi đáp.
- Bao giờ thì đi? - Tuân hạ thấp giọng hỏi nhanh sau khi giữ ý liếc nhìn xung quanh.
- Lên đèn thì đi.
Tôi trả lời và thấy Tuân rất xúc động. Đồng chí không dấu được nụ cười để lộ chiếc răng vàng óng ánh.
Sau khi gặp đồng chí Tuân, tôi cho người liên lạc với đồng chí Nguyễn Lam (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội)[[5] Năm 1964.5], báo đồng chí Lam biết ý định của tôi để thông báo cho các đồng chí được chọn ra trước biết tin mà chuẩn bị quần áo, nắm được giờ giấc và địa điểm tập trung. Tôi giao trách nhiệm cho một đồng chí phụ trách số đảng viên còn lại và sẽ tổ chức cho mọi người tiếp tục trốn đợt sau.
Khoảng 4 giờ chiều, tất cả các đồng chí được báo đi đợt đầu đã tìm cách tới đủ mặt ở Trại J. Nơi đây có tường cao bốn phía, kín đáo nên ít người để ý. Tổng cộng đi đợt này có 29 đồng chí và được chia thành từng tổ ba hoặc bốn người. Phải phân tán nhỏ để đỡ bị thiệt hại nếu địch đánh hơi được, mặt khác cũng để giúp đỡ nhau khi cần thiết. Gặp tôi, nhiều đồng chí sốt ruột hỏi:
- Đi đêm hở anh?
- Mấy giờ thì ra?
Các đồng chí chỉ nóng lòng việc đi mà không mấy ai nói gì đến khó khăn nguy hiểm có thể xảy ra.
- Chờ lên đèn. - Tôi đáp và nhắc thêm phải bình tĩnh chờ đợi.
Lúc này, chúng tôi vẫn mặc quần áo tù nhưng ai nấy đều có sẵn quần áo thường dân, người đã mặc bên trong, người còn cuộn trong mình, kẻ cất dấu ở dưới ván... Riêng tôi, ngoài bộ quần áo nâu, còn có thêm một mảnh vải trắng.
Thời gian trôi sao chậm thế! Tôi chỉ lo nếu bây giờ xảy ra việc gì đột biến, không ra được, nhỡ mất thời cơ thì ân hận quá. Cũng may là bọn Nhật còn mải túi bụi lo những việc khác mà chưa ổn định được tổ chức ở nhà tù, nên việc chuẩn bị của chúng tôi lộ liễu thế mà chúng cũng chẳng hề biết. Những cửa chính vẫn khóa chặt một cách "bình yên". Những tên lính Nhật vẫn lầm lì lăm lăm khẩu súng chẳng khác gì “đười ươi giữ ống”. Bọn cai ngục, nhân viên người Việt thì ru rú một chỗ mong giữ lấy thân; những tù nhân là đảng viên Đại Việt cũng chưa đáng ngại vì bọn Nhật chưa kịp nắm được tay sai của chúng ở trong nhà giam.
Nhắc người khác bình tĩnh chờ đợi nhưng tôi cũng nóng ruột như cào, chỉ mong sao chóng đến tối. Từ ngoài đường phố - khoảng đất tự do khao khát - thỉnh thoảng vẫn vọng vào tiếng còi ôtô, tiếng động cơ to dần rồi nhỏ đi...
Trong lúc chờ đợi, tôi kiểm điểm lại kế hoạch, dự kiến thêm những tình huống có thể xảy ra, nghiền ngẫm thêm cách đối phó. Tôi lại tính tới những việc cần làm ngay sau khi về tới cơ quan Xứ ủy...
Gần tối, các tổ ba người đều tranh thủ bàn bạc thêm "Kế hoạch hành quân ". Chả là tôi chủ trương từng tổ hoặc cá nhân khi ra khỏi Hỏa Lò có thể đi theo hướng riêng của mình để phân tán, rồi sẽ bắt liên lạc với Đảng sau.
Nền trời mờ dần, mờ dần... Những bóng đèn điện bật sáng, tỏa ra những vùng ánh sáng vàng nhạt, yếu ớt.
Đến lúc rồi! Tôi “hạ lệnh” mở cống và nói đùa với mấy đồng chí bên cạnh: "Sống thì nhớ, chết thì giỗ cái giờ phút này!”. Đi đầu là tổ do tôi trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Hòa xuống sục sạo đi trước rồi đến tôi, còn Vân, Tuân đi đoạn hậu. Cống hẹp, chúng tôi phải cúi rạp xuống mới chui lọt vào lòng cống. Các tổ khác cũng lần lượt tụt xuống sau.
Lòng cống tối om. Mùi hôi thối bốc ra từ cái chất nhầy nhớt với đủ loại rác rưởi lẫn phân người, làm ai cũng muốn nôn mửa. Ấy thế mà chẳng người nào bịt mồm, bịt mũi vì còn mải miết chui. Riêng những bộ quần áo "diện" thì được giữ hết sức cẩn thận, người đội trên đầu, người buộc sau gáy, người đeo trên lưng...
Tới chỗ hẹp quá, tôi phải nằm thẳng người ra, duỗi dài hai cánh tay về phía trước, dùng sức khuỷu tay, chống ngón chân mà nhích. Nước bùn hôi thối ngập tới cằm. Thỉnh thoảng tôi lại đụng đầu vào chân người trước hoặc chân mình đạp phải người bò sau. Mới được một quãng đã thấy mệt, tiếng thở phì phò vang trong cống. Tôi vừa lắng tai nghe, vừa mải miết bò, bám sát người đằng trước nên chẳng để ý gì đến cái lòng cống bẩn đến mức nào. Không những thế, tôi còn thầm cám ơn nó, vì nó đang dẫn chúng tôi ra con đường giải phóng bản thân, giải phóng dân tộc rộng thênh thang sáng sủa... Trong bụng tôi chỉ còn tính: Sẽ lên cửa cống nào? Ở đó có gì trở ngại không?
Cố gắng chừng 20 phút thì Hòa bò chậm lại rồi ra hiệu cho tôi chờ. Hòa đã tới cửa cống. Đồng chí ngồi dậy và lom khom đứng lên. Nghe tiếng thở mạnh, tôi biết Hòa đang lấy sức làm gì đó. Quả nhiên sau đó, tôi đã thấy được một tia sáng le lói mờ mờ. “Đây rồi!”, Hòa hướng về phía tôi thì thào. Tôi nhích người tiến lên. Một tiếng động hơi mạnh, nắp cống bị nâng cao hẳn. Hòa vịn tay, nhào người lên và nói vọng lại: “Không có ai, lên thôi anh!”. Bóng Hòa đã khuất, tôi ló đầu ra, hai tay đỡ nắp cống. Bỗng một chiếc xe ôtô cam-nhông[[6] Camion: xe vận tải.6] vun vút chạy tới. Tôi vội thụp xuống, suýt nữa bị biêu đầu vì chiếc nắp cống. Tôi hồi hộp gióng tai nghe ngóng. Chừng đã yên ắng, tôi lại đẩy nắp cống chui lên. Mới chập tối mà đường phố đã vắng teo. Trong lúc “hỗn quân hỗn quan” này, nếu không có việc gì cần thì chẳng ai dại mà đi dạo tối.
Vừa lên khỏi cống, tôi đã nhận ra ngay đó là một cửa cống đằng sau ngục Hỏa Lò, phía vườn hoa Mê Linh. Tôi liếc nhìn chiếc lô cốt lù lù ở góc ngục Hỏa Lò. Không thấy động tĩnh gì, tôi yên trí, bình tĩnh thong thả bước qua đường nhựa sang vườn hoa rồi nhảy xuống một cái hầm tránh máy bay ngay đó. Vân, Tuân cũng đã lên khỏi cống và nối gót theo tôi. May làm sao, trong hầm tránh máy bay lại có chút nước đọng. Chúng tôi nhanh nhẹn vớt nước rửa qua quýt rồi mặc quần áo thường dân vào. Bộ cánh nâu của tôi rất vừa. Tôi quấn miếng vải trắng lên đầu làm khăn, che đi cái đầu tù trọc lốc của mình. Chẳng có thời gian mà ngắm vuốt, đóng bộ xong, chúng tôi nhảy ra khỏi hầm tìm đường đi ngay.
Lúc đó có vài người dân đi qua. Có thể họ cho chúng tôi là phu cống nên không để ý, cũng có thể họ thấy chúng tôi đáng nghi nhưng chẳng muốn tìm hiểu làm gì, họ rảo bước đi việc của họ.
Lúc này, tôi có cảm giác rất khó tả. Chỉ vừa mới đây thôi mà nay tôi đã thoát ra khỏi cái nơi ghê tởm ấy. Tôi được tự do rồi! Không những tôi thoát chết, thoát án khổ sai, thoát khỏi cùm kẹp, đánh đập mà lại còn được trở về với phong trào, với đồng bào. Sự việc diễn ra đơn giản quá, nhanh quá, đột ngột quá, tưởng chừng rất khó hiểu làm cho tôi vô cùng xúc động. Rõ ràng là tôi rất bàng hoàng trước niềm vui sướng bất ngờ nên thấy mình như đang lướt bay, lâng lâng trên đôi cánh vô hình nào đây chứ không phải là đi bằng đôi chân gầy gò của mình nữa.
Phía cửa cống, một đồng chí ở tổ khác tiếp tục chui lên. Tổ tôi, người sau kẻ trước rảo bước đi về phía Cửa Nam. Chúng tôi cố làm ra vẻ thản nhiên cho dáng đi được bình thường nhưng trong bụng ai cũng bồi hồi, nôn nóng. Nếu có thể được thì chắc không ai phải giục ai, đều cùng mở hết tốc lực co cẳng mà chạy cho nhanh.
Theo hè phố, tôi và Tuân đi trước, Vân, Hoà theo phía sau. Lúc đang chui dưới cống, tôi chẳng coi bẩn thỉu là gì, nhưng bây giờ lại rất ngại cái mùi hôi thối. Người đồng chí nào cũng bốc ra mùi hôi nồng nặc không thể dấu được, khiến cho người đi đường phải bịt mũi lảng xa. Để cho đồng bào khỏi chú ý và bọn chó săn khỏi nghi ngờ, chúng tôi phải tạm đóng vai những người phu đổ thùng vừa ở trong những chuồng tiêu ra, nói với nhau toàn những chuyện đổ thùng. Vì đầu tôi đội khăn trắng nên riêng tôi lại còn giả làm người có vợ chết, thỉnh thoảng lên tiếng thở vắn than dài oán thán cái “số kiếp góa bụa, gà sống nuôi con”... Vừa chuyện trò một cách bất đắc dĩ, vừa phải lưu ý quan sát trước sau. Ga Hàng Cỏ lúc này cũng còn nhiều khách đợi tàu, người nằm, kẻ ngồi, người đi lại nhớn nhác, lộn xộn. Đã lâu lắm, tôi mới được thấy cảnh nhộn nhịp như thế.
Qua ga Hàng Cỏ, chúng tôi theo đường Khâm Thiên đi tới Thái Hà Ấp. Nhìn trước nhìn sau thấy không bị theo dõi, chúng tôi vững dạ, tạt ngang xuống ruộng để về Hà Đông theo đường cánh đồng. Lối này xa và khó đi nhưng dễ lẩn tránh hơn là theo đường nhựa.
Chừng đã khuya, chúng tôi về tới làng Vạn Phúc. Tôi dặn các đồng chí Hoà, Tuân, Vân chờ ở ngoài làng; còn một mình tôi dò dẫm tìm đến nhà anh Tục, một cơ sở liên lạc của Xứ ủy hồi ấy. Ngôi nhà này đã bị phá đi một nửa nên cửa ngõ còn sơ sài. Tôi nhẹ nhàng lách người vào. Lúc đó, anh Tục đi đâu chưa về, chỉ có chị Tục ở nhà. Trong nhà tối om, tôi lần vào, đụng phải giường gây nên tiếng động khiến chị Tục giật mình khẽ kêu lên:
- Ai? Ai đấy?
- Tôi… tôi… Núi đây. - Tôi vội đáp khẽ. Núi là một tên bí mật nữa của tôi.
Tiếng chị Tục run run:
- Anh là người hay là… ma đấy?
- Núi đây, người thật đây... Tôi mới trốn thoát. - Tôi trả lời rành rọt cho chị rõ.
Có tiếng quẹt diêm và khi đỏ đèn rồi, nom rõ là tôi, chị mừng rỡ:
- Trời Phật ơi, thế mà cứ tưởng anh chết rồi!
- Thôi chị đi gọi anh ấy về! - Tôi giục chị Tục.
Chị Tục đi xong, tôi cũng quay ra đón các đồng chí. Thế là chúng tôi thoát hẳn, đã bắt liên lạc được với Đảng.
Ở cơ quan Xứ ủy, việc trước tiên là chúng tôi cấp tốc cử người đi tìm đón những đồng chí cùng ra đêm đó. Mỗi khi nhận được tin đã tìm thấy một người là tôi lại vui mừng vô hạn vì mất đi một người là mất đi một cái vốn vô giá của Đảng. Cho đến chiều hôm sau thì tất cả 29 đồng chí trong danh sách đi đợt đầu đều trót lọt và đã liên lạc được với Đảng. Tôi còn được biết thêm là bằng cửa cống đó và mấy cửa cống khác nữa, rất đông các đồng chí chúng ta đã ra thoát mà không gặp trắc trở gì. Chỉ vài đồng chí bị lạc trong cống, mò mãi ra tận phía ga Hàng Cỏ, nhà Đấu Xảo (Nhà hát Nhân dân bây giờ), gần Nhà thờ Lớn, mới thấy lối lên.
Tổ chức Đảng đã kịp thời tiếp nhận cán bộ và giao công tác ngay. Tình hình rất khẩn trương, có người vừa mới bắt được liên lạc, đã nhận chỉ thị đi công tác ngay. Các đồng chí tỏa đi khắp nơi, trong đó có một số được cử về Hà Nội. Ở tổ tôi thì tôi và đồng chí Vân trở về tham gia xây dựng, củng cố chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, đồng chí Hoà làm liên lạc cho cơ quan Xứ uỷ, còn đồng chí Tuân được phân công về Gia Lâm (Hà Nội) làm công tác vận động công nhân.
Nhớ lại lần vượt ngục đó, tôi không quên rằng chính tình thế cách mạng làm rã rời bộ máy thống trị của địch và mở ra con đường thoát an toàn, dễ dàng cho chúng tôi, giúp chúng tôi kịp thời trở về với phong trào.
Chúng tôi rất sung sướng được góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc Tổng khởi nghĩa bùng nổ sau đó dăm tháng.
H.T.A ghi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.