Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Cái xích cổng

Những thành viên của nhà 99 không thể quên cái xích cổng. Nó về với nhà ta lâu lắm rồi, dễ nửa thế kỷ có thừa. Thường thì nó được quấn kín 1 vòng, qua 2 lỗ to bằng bàn tay. Bên trong cộp khóa lại, vậy là an toàn.


Ngày cả bọn còn là trẻ ranh, sau 7g tối là chú Phú ra bóp khóa cổng. Ngày đi sơ tán máy bay Mỹ, chỉ cần có ổ khóa sập vào 2 đầu sợi dây xích thì chả ai dám vào, dù chả có ai ở trong nhà. Chỉ đến khi từng đứa học xong đại học, bắt đầu phải giao  du với chúng bạn thì cái xích cổng phải "làm việc" nhiều hơn.
Sau 1975, anh Chiến được anh Nguyên (con chú Mậu) cho con chó tây lông trắng, đặt tên là Bông. Nó trông nhà rất cẩn thận, hễ thấy người lạ tới là sủa vang. Ngày ấy HN không mấy nhà nuôi chó nên việc bảo vệ nhờ chó quá là an ninh.
Anh em đi chơi khuya về, chỉ khẽ động tay vào sợi dây xích (bằng sắt nhưng không hề "vô tri vô giác", nó phát ngay ra tiếng lách cách. Động mạnh thì "lách" to, chạm khẽ thì "cách" nhỏ). Vậy là Bông chạy ra, sủa ầm ĩ. Mẹ không ngủ được, lại bật đèn, lần ra cửa sổ nhìn xuống, càu nhàu: "Đứa nào đấy? Đi đâu mà về muộn thế? Tao đã khó ngủ mà chúng mày về lại làm mất giấc ngủ của tao".
Biết là làm phiền mẹ nhưng đi chơi với chúng bạn cũng không thể dừng. Hết Quốc, Công đến  Trung; nhất là khi Nghị đi học bên Tây về, kéo theo Long, Lượng, Việt Tấn... thậm chí chúng còn lấy nhà 99 làm "đại bản doanh"; hầu như đêm nào cũng đi chơi về muộn. Mẹ càng phiền muộn.
Cứ mãi thế này cũng không ổn. Vậy là phải có bài. Rồi chả ai bảo ai, lần nào về đến gần cổng thì xuống xe, miệng "xìu xìu" gọi Bông. Biết chủ về, cậu từ trong sân vẫy đuôi chạy ra, chỉ rên ư ử chứ không sủa. Hai tay nhẹ nhàng thò vào trong; tay nắm ổ khóa, tay chọc chìa, tháo móc khóa ra. Khéo léo lần từng mắt xích, thật khẽ cho đến khi nửa sợi dây xích rời khỏi cánh cổng. Bặm môi nhấc 1 bên cánh cửa lên (để khỏi quết xuống sân). Cổng mở. Nhè nhẹ xoa tay lên lưng chó, chú im như thóc. Cả bọn vào hết rồi lại khẽ khàng móc khóa, đóng cổng. Vậy là mẹ vẫn yên giấc, không hay biết.
Bao nhiêu năm, có những móc xích đã bị thời gian, mưa nắng ăn mòn vẹt, không còn lành lặn như xưa. Sau này chú Trung thuê thợ sắt hàn thêm 2 bát tròn để móc khóa. Nó bền bỉ sống cùng chúng tôi (dù chú Bông trong đêm Noel năm nào đã bị bắt trộm, mà nó cũng già lắm rồi). Lần nào có ai về động đến cái xích vẫn phát ra tiếng "lách cách".
Mỗi lần bác Ngân về nước, hễ đứng trước cổng lại sờ tay vào cái xích, mắt rưng rưng, lẩm bẩm:
- Sau này có phải đi đâu thì nhớ mang theo cái sợi dây xích này, đưa vào bảo tàng gia đình. Nó đã chứng dám bao nhiêu đôi nhà 99 lấy nhau phải qua đây, nó gắn bó với bao kỉ niệm vui, buồn, nghịch ngợm của anh chị em nhà ta.
Ừ, có lẽ phải vậy!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.