Ngày đó các bạn cùng tuổi với tôi trong khu 38 Trần Phú đều cắp sách đi học vỡ lòng. Lớp mở trong Thành. Riêng tôi không hiểu sao lại không được đến lớp? Một hôm tôi quyết định đi cùng các bạn đến lớp, xem có gì thú vị. Đến nơi cô giáo nhìn "lính mới tò te" liền hỏi: Họ tên, địa chỉ nhà ở đâu? Khi cô yêu cầu hôm sau đi học mang theo giấy khai sinh thì tôi lúng túng. Về nhà rất buồn, tôi hỏi mẹ, tại sao các bạn được đi học mà mình lại phải ở nhà? Mẹ nói, vì tôi chưa đủ tuổi đến trường. Chẳng là thời ấy quy định rất nghiêm ngặt, trẻ em tròn 6 tuổi mới được đến lớp vỡ lòng. Lúc khai giảng (cuối tháng 8) thì tôi còn thiếu gần 2 tháng mới tròn 6 tuổi.
Có lẽ mẹ đã kể chuyện này cho cha. Cha mẹ hiểu tôi rất thèm đi học như các bạn. Cha quyết định, hàng ngày sẽ dạy cho tôi, học chữ, học đánh vần và tập viết trong dịp cha về nước công tác. Thời gian cha dành cho tôi rất ngắn ngủi vì cha phải đi làm việc hàng ngày. Những lúc cha đến Bộ Ngoại giao, tôi được đi theo, cha cho ngồi ngoài xe. Lúc đó tôi tranh thủ học chữ và đánh vần. Cha nhờ cả chú Dịp (lái xe) chỉ bảo thêm. Lúc nào về nhà thì tôi lại tập viết theo mẫu chữ của cha. Chữ cha tôi viết rất đẹp, nét thanh nét đậm rõ ràng. Tôi cố gắng viết theo cha. Do ham học và học rất nhanh nên chỉ sau 1 tháng, tôi biết đọc các câu đơn giản, được cha mẹ khen "con gái thông mình, sáng dạ". Ngoài việc dạy tôi học chữ, cha còn dạy tôi vẽ và tô màu hoa, lá. Cha tôi rất thích hoa hồng, và cha đã dạy tôi cách vẽ hoa hồng vừa đơn giản nhưng lại rất đặc trưng.
Thời gian được sống gần cha rất ít, nhưng cha đã kịp dạy cho tôi biết phải sống như thế nào để mọi người yêu quý và tôn trọng mình. Cha dạy, không bao giờ được nói dối; phải trung thực, thật thà. Nếu có lỗi phải thành thật nhận lỗi, và cố gắng không bao giờ lặp lại sai lầm đó. Cha mẹ luôn nhắc anh chị em phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, chị ngã em nâng... Tất cả những điều cha mẹ dạy dỗ hàng ngày, tưởng như chỉ là những điều rất nhỏ nhặt nhưng nó đã thấm sâu vào máu, vào thịt mỗi chúng tôi. Có lẽ vì thế sau này khi đã khôn lớn, trưởng thành, chúng tôi lại giáo dục lại con cháu theo đúng cách cha mẹ đã dạy.
Có kỉ niệm thế này, vào bữa cơm, cha thường dạy: ''Mỗi hạt cơm là một hạt gạo, mỗi hạt gạo là một giọt mồ hôi, nước mắt mà
người nông dân vất vả nắng mưa, nhọc nhằn mới làm ra được. Các con phải
biết quý trọng thành quả lao động của người nông dân. Lúc ăn không được
đánh vãi cơm ra ngoài, phải ăn hết cơm và thức ăn trong bát, không được để
thừa lại lãng phí. Còn biết bao nhiêu người nghèo cơm không đủ ăn, áo
không đủ mặc". Cha dặn cô Tâm phải nhắc nhở các cháu.
Ngày Trường Lục quân ở Vân Nam, cha xuống xem bộ đội ăn cơm. Thấy để rơi vãi đầy bàn, cha bắt nhặt từng hạt cơm bỏ vào mồm... Lúc đầu nhiều người chê thủ trưởng quá khắt khe. Biết chuyện cha bảo: Sang đến đây, có cơm no, áo mặc ấm nhưng các đồng chí không biết, nhân dân Trung Quốc vừa mời có hòa bình, họ phải thắt lưng buộc bụng, dành dụm giúp ta. Từ đó thay đổi hẳn.
Khi cha tôi qua đời, tôi mới 11 tuổi. Đối với tôi là một mất mát vô cùng lớn, không gì bù đắp nổi. Mặc dù cha đã mất 45 năm, nhưng tình cảm yêu quý của tôi dành cho cha không bao giờ phai nhạt. Dù sống xa quê hương nhưng hàng năm cứ đến ngày giỗ cha, tôi làm mâm cơm cúng, thắp hương tưởng nhớ đến cha. Bên cạnh di ảnh của cha bao giờ cũng là bình hoa hồng rực rỡ và thơm ngát. Thầm nghĩ, cha sẽ ghi nhận được tình cảm này.
Bài cô Phúc viết hay, cảm động! Đọc và nhớ ông bà.
Trả lờiXóaAT
Phúc nhớ tên chú là Dịu. Không phải đâu, tên chú là Dịp, lái xe mang biển số xanh HNA-334, chở cha mỗi khi về nước. Chú còn là cầu thủ của đội Bộ Ngoại giao nên có lần đưa bọn tôi đến sân Cột Cờ xem đội đá với Thể Công. Anh em rất quý chú.
Trả lờiXóa