Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Mẹ tôi, người đảng viên chân chính (KQ)

MẸ TÔI, NGƯỜI ĐẢNG VIÊN CHÂN CHÍNH
Đầu năm 1967, cha chúng tôi mất, để lại cho mẹ tám người con. Năm đó mẹ mới 47. Thời gian này, trong gia đình chỉ có chị Yên Hồng theo học đại học, anh Kháng Chiến đang ở đơn vị chiến đấu. Sáu đứa còn lại quá nhỏ, em trai út mới lên 8. Khó có thể hiểu nổi, vì sao mẹ chúng tôi đã vượt qua được đau thương để sống và nuôi dạy chúng tôi nên người!

Mẹ vừa lo công việc cơ quan, xung phong đi các tỉnh xây dựng các đầu mối xuất nhập khẩu địa phương, đồng thời lại phải lo việc học hành của sáu đứa còn lại không bị dở dang. Đứa thì gửi theo học trường nội trú của quân đội Nguyễn Văn Trỗi, đứa gửi sơ tán về các tỉnh xa. Ngày nghỉ, bất chấp nắng mưa, theo lịch, mẹ lại tranh thủ đi thăm các con, khi thì Bắc Thái, lúc lại về Hà Bắc… Trên đường, có máy bay Mỹ thì xuống hầm, khi chúng qua thì lại đi. Gặp được các con, thăm hỏi tình hình học tập, xem có đứa nào ốm đau, rồi tranh thủ cho các con bữa ăn tươi và làm thức ăn dự trữ cho mấy tuần xa mẹ. Hết ngày nghỉ, mẹ lại về Hà Nội. Cứ lầm lũi như một con ong, mẹ không than thân trách phận, mà tự mình vượt qua đau thương, khó khăn để sống, lao động và nuôi dạy các con.
Đáp lại tình thương và sự hy sinh của mẹ, chúng tôi dần trưởng thành. Nhớ khi còn sống, cha tôi thường kể, ngày xưa, cha mẹ quá nghèo, không được học đến nơi đến chốn; khi đi hoạt động cách mạng, bị giam cầm phải tranh thủ học tập trong nhà lao đế quốc để có kiến thức khi ra tù tiếp tục hoạt động. Tám anh chị em tự bảo ban nhau học hành và đều tốt nghiệp đại học. Năm 1981, khi Việt Trần Trung, đứa em út, tốt nghiệp đại học và nhận công tác, thì chúng tôi tự thấy tám anh chị em đã không phụ lòng cha mẹ. Đó chính là món quà lớn nhất đối với cha mẹ.
Năm 1978, mẹ nghỉ hưu, trở về sinh hoạt ở khu phố. Trong các hoạt động của địa phương, mẹ rất tích cực. Mẹ rất thương các gia đình cán bộ, công nhân viên nghèo và được bà con khối phố quý mến. Sau này, khi bà đã đi xa, bà con hàng xóm vẫn thường nói: ”Mẹ các cháu thật là người phúc đức! Là cán bộ cách mạng lão thành, không như một vài “ông to bà lớn” ít gần dân, ngược lại cụ rất gần gũi với bà con khối phố. Gặp cụ ngoài đường, ai cũng được hỏi thăm, đến cả từng người trong gia đình. Gia đình nào có trục trặc cụ đều tới hòa giải, gia đình nào có khó khăn cụ thường vận động giúp đỡ”. Đặc biệt với các gia đình cơ sở cách mạng thời kì bí mật, bà luôn quan tâm xác nhận để họ được hoàn tất các thủ tục nhận huân-huy chương, được hưởng các quyền lợi gia đình có công với nước.
Vốn quen lao động, luôn chân luôn tay, khi về nghỉ bà nhờ chúng tôi xây cho cái chuồng lợn ở gốc cây sấu và mua lợn giống về nuôi. Ngày ngày, bà con khu phố thường thấy bà cụ lầm lũi xách làn ra chợ Cửa Nam, nhặt rau thừa về nấu cám lợn. Bà không hề cảm thấy xấu hổ, thậm chí đấy còn là niềm vui. Nhất là mỗi khi bán được lứa lợn, con cháu trong nhà đều được “ăn tươi” một bữa cháo lòng với phần thịt ngon nhất.
Cụ rất thương anh em cán bộ, chiến sỹ công an phường Cửa Nam. Cứ mỗi năm khi Tết đến, mẹ lại chống gậy lên đồn. Gặp chỉ huy, bà chậm dãi nói: ”Tết nhất đến nơi rồi, các cháu không được về với gia đình, phải trực chiến để cho dân ăn Tết. Vậy bác có chút quà, trích từ tiền hưu trí và quà tết của con cháu, tặng lại các cháu để ban chỉ huy lo tết cho anh em”. Kỷ niệm này, anh em trong đồn vẫn cứ nhắc mãi mỗi lần xuống thăm và thắp hương cho cụ.
Lĩnh tháng lương cuối cùng, mẹ mang lại biếu hết cho chi hội Cựu chiến binh phường - nơi cụ sinh hoạt. Khi các chú không chịu nhận, cụ đã nói: “Làm cho công việc chung, anh em làm gì có lương. Thôi thì đây cũng là đóng góp của tôi cho Hội”. Những ngày cuôi đời, mẹ xách ghế ra cổng ngồi nhìn phố phường và chị em, bà con qua lại. Có lẽ cụ cảm thấy sự sống với mình đã sắp hết. Leo lắt như ngọn nến trước gió. Chú bí thư chi bộ, nhà nghèo, phải chăn nuôi để cải thiện. Bà từng cho vay tiền để mua thức ăn cho lợn. Thấy cụ đã yếu, chú cầm tiền sang trả. Mẹ lắc đầu, dặn lại: ”Thôi, khoản tiền tôi cho chú vay khỏi phải trả, cứ giữ lấy mà dùng!”.
Sáng hôm đó thấy mệt, mẹ được anh chị em tôi đưa vào viện. Được vài tiếng, cụ đã nhẹ nhàng ra đi. Mấy cô em dâu nhà tôi, khi tắm rửa cho mẹ lần cuối, lục trong túi mẹ không có lấy một đồng dắt lưng, ngay cả “khoẻn chỉ” cũng không.
Cuộc đời của mẹ thật trong sáng, thanh bạch! Cả đời mẹ sống thật “trọn nghĩa, vẹn tình” vàlà tấm gương cho chúng tôi cùng con cháu noi theo.
Hè 2001 - 8 năm sau ngày mẹ mất
(Bài đăng trên SGGP 2001)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.