Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

ANH BÌNH TRONG THỜI KÌ SỬA SAI

Nguyễn Trung[1]

Chú Trung mắt không nhìn thấy gì nhưng kể như đọc từ sách.
            Quê hương tôi ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Gia đình tôi là gia đình điền chủ lớn. Sau năm 1940, phong trào cách mạng ở Phú Thọ được gây dựng lại do các anh Đào Duy Kỳ hoạt động ở Thanh Ba, Phù Ninh; anh Trần Tử Bình ở Cổ Tiết, Ba Triệu và anh Nguyễn Văn Thản, học sinh trường Bưởi, do bị lộ đã lánh về làm gia sư trong gia đình tôi và vận động anh em tôi theo cách mạng. Sau này còn một luồng cách mạng nữa là các anh Ngô Minh Loan, Bình Phương… vượt tù từ Nghĩa Lộ, Sơn La về.


Từ năm 1941, anh Trần Tử Bình được Xứ uỷ cử về nằm vùng tại bãi giữa sông Thao (thuộc xã Cổ Tiết). Cơ sở cách mạng trực tiếp là gia đình anh Đỗ Văn Mô. Trong vai ông lang bốc thuốc, anh Bình mang thuốc nam cùng tài liệu, báo chí cách mạng tới các cơ sở để gây dựng phong trào. Bà con gọi anh là “ông lang Khói”. Chỉ biết tiếng anh vì tôi hoạt động theo dây của anh Thản. Các anh là cán bộ cấp trên - Tổng bộ Việt Minh, còn chúng tôi là cấp dưới, đi rải truyền đơn, đưa báo Tiền Phong, báo Cờ Giải phóng…

Ngày Tổng khởi nghĩa, tôi là chủ nhiệm Việt Minh, còn anh Đỗ Văn Mô (nay đã 96 tuổi đang sống tại Vũng Tàu) là phó chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Phú Thọ. Sau đó tôi được chỉ định làm thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ, rồi lên Yên Bái làm thường vụ Tỉnh uỷ và giám đốc Sở Giao thông, tham gia xây dựng đường 13 (khi anh Nguyễn Văn Trân làm bộ trưởng và anh Lê Dung là thứ trưởng Bộ Giao thông). 

Cuối năm 1946, đầu 1947, các anh Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đi qua đồn điền Ba Triệu để chuẩn bị đưa Bác, Trung ương và Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc. Ngày 3 tháng 4 năm 1947, Bác Hồ đã đến ở nhà tôi, sau đó chuyển lên nhà ông Nguyện cách đó hơn 1km. Từ đó nhà tôi trở thành trạm giao liên của Trung ương do anh Trần Đăng Ninh phụ trách. Chúng tôi được đón các anh Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình, Lê Trọng Tấn… về nhà mình. Chị Loan (vợ anh Hoàng Văn Thái) và cả chị Hưng (vợ anh Bình), khi đó vừa mới sinh cháu Trần Kháng Chiến, cũng lên trú ở nhà tôi. Khi về đây, những lúc rảnh rỗi vào buổi tối, các anh hay ngồi quanh đống lửa, bên ấm chè Phú Thọ, trao đổi với nhau về lí luận cách mạng (Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Đường lối chiến tranh nhân dân…) và những kinh nghiệm trong đấu tranh. Chúng tôi cũng được ngồi nghe, thấy rất thú vị vì được học thêm nhiều điều mới lạ. Thời gian đó tình cảm giữa bậc đàn anh cách mạng với chúng tôi thật gần gũi, ấm cúng!

Riêng với chị Nguyễn Thị Hưng, vợ anh, có thời gian cùng công tác với tôi ở Phú Thọ và hai đại gia đình chúng tôi có những quan hệ thân thiết. Năm 1949, tôi là thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ phụ trách tổ chức, chị là Tỉnh uỷ viên phụ trách phụ vận. Sau khi tôi đi Yên Bái thì chị Hưng thay tôi...

Đầu năm 1953, ta tiến hành giảm tô và giảm tức, cải cách ruộng đất. Vì có đóng góp cho cách mạng nên gia đình tôi không bị quy là địa chủ. Nhưng đến đầu năm 1955 khi tiến hành “chỉnh đốn tổ chức” (mà Phú Thọ được chọn là “tỉnh thí điểm”) thì tôi bị “đội chỉnh đốn” gọi về thẩm tra. Tôi sinh năm 1924, từ năm 1941 đến năm 1943 là học sinh trường Trung cấp Canh nông Tuyên Quang, sau đó đi hoạt động cách mạng thì không thể có thời gian tham gia bóc lột, vậy không thể quy là địa chủ. Tuy nhiên “đội” đã gán cho tôi là đảng viên Quốc dân đảng với lí do: gia đình đã chứa chấp Nguyễn Hải Thần và nuôi dấu “hai con mẹ người Nhật”; đêm đêm đã “bóp máy điện báo” chỉ điểm cho máy bay địch. Đúng là “nhất đội nhì giời”, “đội” đã “đề bạt” tôi rất nhanh từ bí thư chi bộ Quốc dân đảng huyện, rồi thường vụ phụ trách tổ chức Quốc dân đảng tỉnh, khi lên Yên Bái thì cho là đã làm khu uỷ phụ trách Quốc dân đảng và cuối cùng khi lên Tây Bắc (làm nhiệm vụ từ ngày Khu tự trị Thái-Mèo ra mắt) thì bị quy là uỷ viên Trung ương phụ trách vùng Tây Bắc. Lập tức “đội” tống giam tôi vào nhà tù Phú Thọ, bị gông chân suốt 13 tháng (được xả cùm đúng một lần vào ngày mùng Một Tết năm 1957). Trong thời gian bị tù, tôi kiên quyết không nhận mình là Quốc dân đảng. Vậy là nhận án tử hình.

Họ đâu có biết, ngày đầu kháng chiến vì yêu cầu bí mật của trạm giao liên, không cho phép lộ ra ai đã đến và không cho người lạ (kể cả bà con cùng xóm) được vào nhà, nên nhìn từ xa họ chỉ thấy có một ông lão gầy gò, râu dài và cho là Nguyễn Hải Thần. Còn hai “con mẹ người Nhật” chính là chị Hưng và chị Loan. “Máy điện báo” thực ra là mấy cái đèn bóp đi-na-mô, khi anh Phạm Văn Đồng sang Pháp năm 1946, được bà con Việt kiều cho, mang về nước.

Khi “đội” phúc tra lại lần cuối để chuẩn bị xử bắn, tôi vẫn một mực khai gia đình tôi là cơ sở cách mạng và Bác Hồ, chị Hưng, chị Loan đã từng ở nhà tôi. Đúng hai chục ngày sau, vào buổi sáng đang chán nản, thất vọng giữa sống và chết, đang nghĩ nếu bị bắn sẽ hô ra làm sao(!), bỗng thấy cửa xà lim bật mở. Tôi thấy anh Trần Tử Bình đứng ngay trước mặt và hỏi:

-          Trung, cậu có nhận ra ai đây không?

-          Anh Trần Tử Bình… anh Bình… Tổng thanh tra quân đội!

-          Mở gông ra! - Anh lệnh cho viên giám thị rồi vực tôi dậy, nói tiếp - Hôm nay, tớ thay mặt cho Đảng và Chính phủ vào đây xin nhận khuyết điểm đã quy oan cho cậu và gia đình. Tớ xin lỗi cậu và gia đình. Vậy cậu có ý kiến gì không?

-          Thôi anh ạ, ý kiến gì nữa, anh cho em về với vợ con và gia đình. Cả nhà cống hiến cho cách mạng mà bị đối xử như thế. Em… sợ lắm rồi!

Dù tai đã nghe anh Bình hỏi và miệng đã trả lời anh nhưng tôi vẫn không dám tin đó là sự thật, như trong mơ từ cái chết trở về. Vậy là anh Trần Tử Bình đã cứu sống tôi, đã sinh ra tôi lần thứ hai. Tôi mãi mãi không quên ơn anh!

Ngày tôi trở về từ nhà tù sau “sửa sai”, chính anh Bình đã tới thăm, động viên tôi bỏ qua sai lầm của Đảng để tiếp tục hoạt động. Ân nghĩa này lớn lắm!

… Anh Trần Tử Bình là một tấm gương sáng không chỉ cho thế hệ chúng tôi mà còn cho thế hệ con cháu chúng ta. Anh đã có nhiều đóng góp cho Hà Nội mà chưa thấy có góc phố nào mang tên anh. Qua Hội Sử học, tôi xin kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để đặt tên TRẦN TỬ BÌNH  cho một phố mới của Thủ đô.

N.T







[1] Lão thành cách mạng hoạt động ở Phú Thọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.