Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

NHỚ CẬU PHẠM VĂN PHU

Trần Văn Thản

Tiêu Động Thượng quê tôi có nhà thờ Thiên chúa giáo, xây dựng từ năm 1895. Cả thôn có bốn dòng họ Trần, Nguyễn, Lê, Phạm nhưng họ Phạm là lớn nhất. Đây là thôn công giáo toàn tòng. Tôi là cháu họ, gọi ông Phạm Văn Phu là cậu vì ông ngoại chúng tôi - cụ Phạm Văn Giai là anh của cụ Phạm Văn Cống (bố đẻ ra ông Phu). Mẹ chúng tôi - bà Phạm Thị Luộc là chị con bác ruột của ông Phu. Trong gia đình tôi, chị Trần Thị Óng sinh năm 1928, còn tôi là em út (sinh năm 1947).


Là họ gần nên chị Óng thường được gặp cậu Phu, khi cậu từ Côn Lôn được thả về quản thúc ở Bình Lục, những năm 1937-1940. Chị tôi còn nhớ, ngày đó để kiếm kế sinh nhai, cậu làm thầy ký tiêm ở trạm xá phố huyện. Cậu là người nhân đức nên hễ nhà nào có ai ốm đau, cần cấp cứu, tiêm chích thuốc, chẳng quản đêm hôm, giá rét, cậu xách túi thuốc đi ngay. Ngày về sống ở quê, cậu cưới một người vợ, tên là Vòng. Khoảng năm 1939, cô Vòng ốm chết vì lao lực. Chị tôi vẫn nhớ hình ảnh cậu Phu người gày gò, nhỏ bé, đau buồn đưa tiễn cô ra nghĩa trang. Cậu không đi lễ vì gia đình bị Nhà thờ “rút phép thông công” từ năm 1930 (do cậu tham gia nổi loạn ở Phú Riềng và bị đi đày ở Côn Đảo), nhưng rất thông hiểu Kinh Thánh. Hễ có ai gặp khó khăn trong cuộc sống, hay bị cưỡng bức, chèn ép là cậu tới thăm hỏi rồi hướng dẫn đường đi nước bước.

Mẹ tôi kể lại: Sau ngày cô Vòng chết, cậu Phu sống trong một túp lều ngoài đồng. Thương em, mẹ tôi thường thổi cơm rồi cho chị Óng mang cơm ra cho cậu. Những năm ấy, không ai trong họ biết cậu đang hoạt động bí mật. Cậu thường nói với mẹ tôi thế này: “Đời bọn trẻ rồi sẽ sướng chứ không khổ như bây giờ?”. Mẹ tôi thắc mắc: “Sướng là sướng thế nào? Sao cậu biết, chứ bây giờ thì khổ quá, thóc trong nhà cũng không đủ mà ăn!”. Cậu không giải thích mà chỉ nói: ”Đấy, chị cứ chờ xem!”.

Mãi tới ngày hoà bình mới biết những năm ấy cậu từng làm bí thư Huyện uỷ Bình Lục rồi bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Trong nhân dân vẫn nhắc lại chuyện trước Cách mạng, ông Phu thường tổ chức khai hội bí mật ở đình Tiêu Hạ, nằm giữa Tiêu Động Thượng và Tiêu Động Hạ. Có lần, ông Hạ Bá Cang[1], ông Phan Trọng Tuệ và nhiều cán bộ đã về dự họp.

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cậu có về thăm quê. Lần đó cậu  đưa mợ Hưng về chào họ hàng, bà con. Ngày ông Pho, anh ruột cậu, chết (khoảng năm 1948), cậu không về được, Vệ quốc đoàn đã cử một tiểu đội về bồng súng đưa ông đi.

            Chục năm sau, khi hoà bình lập lại, cậu mới về thăm quê. Đường xấu, xe con phải để tận ngoài đường 21 đi Nam Định. Cậu xắn quần, lội bộ tắt theo đường ruộng, đi gần chục cây số về làng. Đất nước vừa qua chiến tranh, phải hết sức cẩn trọng trong công tác bảo vệ cán bộ cao cấp; nhất là Tiêu Động Thượng lại là thôn công giáo toàn tòng, có nhiều người vừa theo địch vào Nam. Các đồng chí bảo vệ rất lo, sợ an ninh không bảo đảm nên theo sát cậu từng bước. Thấy như vậy sẽ không được tự nhiên trò chuyện, cậu cười và bảo: “Các chú đừng lo, cứ yên tâm đi nghỉ một lát cho khỏe người. Ở đây toàn là người làng và họ hàng thân thiết cả, chả lẽ họ lại hại  tôi?”. Cậu thân tình đi thăm hỏi từng nhà, nhất là những gia đình từng nuôi dấu cậu trong thời kì bí mật.

            Là con út nên tôi được mẹ cho lên Hà Nội. Lần lên Thủ đô năm 1956, có ghé qua nhà cậu. Tôi nghe được chuyện cậu tâm sự với mẹ tôi: “Chị có nhớ lời em nói ngày nào, giờ đây bọn trẻ đã được sống trong hoà bình, tự do. Đời chúng nó sướng rồi…”. Cậu dừng lời rồi tiếp “Tuy đã có hoà bình, nhưng nhân dân miền Bắc còn phải thắt lưng buộc bụng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình hình Tổng tuyển cử chắc là không thực hiện được. Đế quốc Mỹ sẽ nhảy vào miền Nam, Ngô Đình Diệm đã theo chân Mỹ. Chắc chắn phải đưa bộ đội miền Bắc vào miền Nam mới giải quyết được vấn đề thống nhất. Vì vậy miền Bắc phải trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam.” Sau này nghĩ lại mới thấy cậu nói rất chí lý. Lúc ra về, cậu đưa cho tôi chục cuốn vở, giấy trắng tinh, rồi ân cần dặn dò: ”Cháu phải học thật giỏi. Có học giỏi sau này mới dựng xây được đất nước.” Lời cậu dặn  mộc mạc, giản dị nhưng tôi nhớ mãi. Trước ngày đi làm Đại sứ ở Mông Cổ và Trung Quốc, đầu năm 1959, cậu lại về thăm quê.

Là con cháu họ Phạm, chúng tôi rất tự hào về cậu Phạm Văn Phu, người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc! Không những vậy, dân Tiêu Động Thượng chúng tôi còn có niềm tự hào là: vùng thôn quê duy nhất “vừa phát Thánh[2] lại vừa phát Tướng”!

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5-2005

T.V.T

           





[1] Đồng chí Hoàng Quốc Việt.
[2] Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu (1783-1840) là thầy giảng, được Toà thánh Va-ti-căng phong Thánh tử vì đạo  năm 1900, còn ông Trần Tử Bình được Hồ Chủ tịch tấn phong Thiếu tướng đầu năm 1948.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.