Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Chuyện nhặt nhạnh về chú Trần Độ

Với họa sĩ Nguyễn Sáng
Cụ Độ và cụ Văn ở Việt Bắc, 1948.
Cuối năm 2000, cụ vào TPHCM và nghỉ tại nhà khách Quốc hội ở đường NKKN. Lần đó, Tuấn "khàn" mời cụ lại thăm phòng tranh ở Lý Chính Thắng. Tôi lấy xe đến đón cụ. Tuấn rất quý cụ Trần Độ vì nhớ mãi kỷ niệm do họa sĩ Nguyễn Sáng kể lại:  "Ông Trần Độ đã tặng  mình những viên thuốc an thần...".

... Vì bị bệnh thần kinh thể hoang tưởng, thường mất ngủ. Lúc nào cũng có cảm giác bị công an theo dõi. Ngày ấy chỉ cán bộ cao cấp mới được cấp thuốc an thần.  Nghe tin ông bị mất ngủ, ông Độ đã lấy mấy vỉ Meprobamate biếu hoạ sĩ. Chả hiểu do công dụng của thuốc hay do tác dụng tinh thần mà họa sĩ ngủ được ngay. Ông sướng lắm!


Nghe lại chuyện này, cụ Độ đã tâm sự: "Làm chính trị như chú chả để lại cái gì cho đời, còn người nghệ sĩ chỉ cần viết một bài thơ, một bản nhạc, một cuốn tiểu thuyết hay thì hàng triệu người biết đến. Nó sẽ sống mãi! Văn nghệ sĩ họ suy nghĩ rất đơn giản và trong sáng. Phải gần gũi họ mới hiểu được tấm lòng của  họ". Sau khi xem tranh và thăm Nhà tưởng niệm Bùi Xuân Phái, cụ rất cảm phục khi thấy Trần Hậu Tuấn đã sưu tập và giữ được rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá. Cụ nói: "...Thế mới là làm văn hóa. Đất nuớc cần có nhiều người như cháu!".
Tuấn kể lại: Biết tin họa sĩ sống ở TPHCM, thứ trưởng Trần Độ vào công tác đã đến thăm. Văn phòng báo trước cho  họa sĩ. Ở nhà, họa sĩ từ sớm đã uống rượu. Chú em ông trách: "Anh Độ hẹn tới thăm mà  sao anh lại uống  sớm thế? Say thì còn nói được chuyện gì?". Nguyễn Sáng khe khẽ trả lời: "Có say mới là tao và  có say thì mới nói ra hết những trăn trở của nghệ sĩ với lãnh đạo".
Khi chia tay, Tuấn trân trọng tặng cụ tấm ảnh họa sĩ Nguyễn Sáng in laminate trên gỗ. Nhìn tấm ảnh đầu đội mũ vải, tay cầm điếu thuốc, con mắt sáng rất có thần của họa sĩ, cụ nhớ lại: "Tấm ảnh này do chính tay chú chụp tặng Nguyễn Sáng". Sau này Tuấn đã lấy nó làm ảnh cho bìa sách. Tuấn còn tặng chú 2 cuốn "Hội họa đương đại" và "Bùi Xuân Phái" do Tuấn chủ biên.

Quý Tôn Nữ Nguyệt Minh
Lần khác đọc báo biết nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh có đêm biểu diễn duy nhất tại Nhạc viện TP sau 10 năm đi xa, tôi mua vé mời cụ. Chiều 22-9, cơm nước xong, bắt taxi đón cụ đến Nhạc viện. Giá vé không rẻ chút nào nhưng dân mê nhạc cổ điện và ngưỡng mộ tài năng của chị đến dự rất đông.
Anh Tạ Tuấn thấy cụ đến xem đã ra chào và giới thiệu là con trai lão nghệ sĩ Tạ Phước (Hiệu trưởng đầu tiên của trưòng Âm nhạc Việt Nam). Ông Nguyễn Văn Thương, nguyên Giám đốc Nhạc viện HN, thấy thủ trưởng cũ đến dự cũng ra thăm hỏi. Thế mới biết những người làm văn hoá, văn nghệ rất trong sáng, họ không xa lánh những người tâm huyết với văn hoá, văn nghệ, cho dù bị "tổ chức vùi dập"(!).
Cụ tâm sự với tôi: Thật ra không hiểu nhiều về piano nhưng chú rất quý Nguyệt Minh. Đến giờ nghỉ, cụ đưa  một mẩu giấy để nhắn nghệ sĩ biết có đến dự, nhưng vì quan khách tới chúc mừng đông quá mà thư không chuyển đến tay.
Sau này nghe cụ kể lại,  Minh vẫn tìm được địa chỉ và tới thăm cụ trước khi bay.
Con người của cụ Trần Độ là như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.