Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Sơ lược tiểu sử

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo theo Đạo Thiên chúa, tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
1. Sự kiện “Phú Riềng Đỏ” 1930
Vì tham gia phong trào yêu nước, vận động giáo sinh ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông) để tang cụ Phan Chu Trinh nên cuối năm 1926 ông bị đuổi học. Năm 1927, được Tống Văn Trân giác ngộ, ông kí hợp đồng vào Nam Bộ làm phu đồn điền cao su Phú Riềng.
Tại Phú Riềng, ông được nhà cách mạng Ngô Gia Tự giác ngộ, kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tháng 10 năm 1929, là đảng viên Đông Dương cộng sản đảng tại chi bộ Phú Riềng.
Cuối năm 1929, ông thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư chi bộ. Đầu năm 1930, chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân Phú Riềng, làm nên “Phú Riềng Đỏ” lịch sử. Sau đó, ông bị bắt, bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo.

2. Thời gian tù Côn Đảo 1931-1936
Bị thực dân Pháp giam cầm tại Côn Đảo, ông vẫn tiếp tục học tập lí luận cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin và đấu tranh đòi độc lập cho Tổ quốc. Thời gian này, ông kết thân với các đồng chí Cộng sản yêu nước như: Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Trần Xuân Độ, Nguyễn Văn Phát v.v… Sau này họ đều trở thành những cán bộ cốt cán của cách mạng Việt Nam.
Năm 1936, do ảnh hưởng của Mặt trận Bình Dân, ông được chính quyền thực dân trả về đất liền và bị quản thúc ở quê nhà.
3. Thời kì hoạt động bí mật 1936-1945
Sau khi về Bình Lục, ông làm thầy kí ở phố huyện, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Lần lượt giữ các chức vụ khác nhau trong Đảng bộ tỉnh Hà Nam như bí thư chi bộ, bí thư Huyện uỷ Bình Lục, bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam.
Năm 1941, ông được chỉ định vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách Liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) vào năm 1940, 1943; Liên tỉnh D (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang) - 1941.
Ngày 24 tháng 12 năm 1943, ông bị bắt ở Thái Bình. Đầu 1944, sau khi vượt ngục ở Hà Nam bất thành, ông bị chuyển về Hoả Lò (Hà Nội) và được anh em tù bầu là Trưởng ban sinh hoạt (tổ chức hoạt động công khai của tù chính trị). Ngày 11 tháng 3 năm 1945, ông tham gia tổ chức cuộc vượt ngục theo đường cống ngầm, giải thoát cho gần 100 tù chính trị.
Sau đó, ông về xây dựng Chiến khu Hoà-Ninh-Thanh.
Là ủy viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.
4. Thời kì phục vụ quân đội 1945-1959
Tháng 9 năm 1945, ông được giao nhiệm vụ Phó giám đốc, Chính trị uỷ viên Trường Quân chính Việt Nam (sau đổi tên là Trường Cán bộ Việt Nam). Tháng 5 năm 1946, Phó giám đốc, Chính uỷ Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Năm 1947, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ - Chính trị cục. Cuối 1947, cùng đồng chí Lê Thiết Hùng chỉ huy mặt trận Sông Lô thắng lợi.
Tháng 1 năm 1948, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Cùng thời gian, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng thanh tra quân đội.
Thời gian 1950-1956, Chính uỷ Trường Lục quân Việt Nam tại Trung Quốc.
Tháng 2 năm 1951, đại biểu quân đội dự Đại hội Đảng II tại Việt Bắc.
Thời gian 1956-1958, Tổng thanh tra quân đội, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, tham gia “sửa sai” sau Cải cách ruộng đất.
5. Thời kì công tác ngoại giao 1959-1967
Năm 1959, theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông chuyển sang công tác tại Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, kiêm Đại sứ tại Mông Cổ. Trong 8 năm làm đại sứ, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác Việt-Trung.
Năm 1960, ông được bầu là đại biểu quân đội dự Đại hội Đảng III và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III.
Ông mất ngày 11 tháng 2 năm 1967 tại Bệnh viện hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

Do công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được tặng thưởng:
- Huân chương Quân công hạng Ba,
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
và truy tặng:
- Huân chương Độc Lập hạng Nhất (1967),
- Huân chương Hồ Chí Minh (2001).
- Huân chương Sao Vàng (2007).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.