(Bài viết năm 2006)
Đã 16 năm kể từ
ngày tự nguyện ra khỏi Đảng, cho đến hôm nay tôi thấy mình đã có một quyết định
đúng đắn!
… Như nhiều bạn
bè cùng lứa, tôi rất tự hào với truyền thống gia đình. Cha tôi, ông Trần Tử
Bình, bí thư chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đã cùng 6 đảng viên lãnh đạo thành
công cuộc đấu tranh của 5000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Nam bộ),
đầu tháng 2-1930. Tên ông gắn liền với
cái tên “Phú Riềng đỏ”! Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội; tháng 1-1948 được phong
Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo gương cha
mẹ, 4 anh em trai tôi phục vụ trong quân đội. Tôi được kết nạp vào Đảng ngày
3-2-1975. Ngày ấy, lí tưởng thật rõ ràng - vào Đảng để cống hiến nhiều hơn cho
nhân dân, cho đất nước.
Cho đến năm
1990, đất nước vào thời kì đổi mới, từ quân đội tôi xin chuyển ngành. Để tồn
tại tôi phải “làm ăn”. Trong Điều lệ cấm đảng viên làm kinh tế, cấm đảng viên
“bóc lột” nên tôi cũng tự nguyện không sinh họat Đảng. Cũng trong Điều lệ quy
định: đảng viên không sinh họat, không đóng Đảng phí 3 tháng thì “mặc nhiên”
không còn là đảng viên! Tôi đã ra khỏi Đảng như thế!
Nhưng có một
lí do đau xót khiến tôi tự nguyện bỏ sinh họat vì thấy tư cách của nhiều
đảng viên mỗi ngày một sa sút. Bắt đầu từ một chuyện nhỏ, sáng sáng thường ra
uống nước ở quán bà cụ cùng phố. Hôm đó thấy có tay công an khu vực tới uống
ca-phê. Uống xong anh ta phủi đít đứng lên. Tôi ghé tai hỏi bà chủ: “Có trả
tiền chứ cô?”. “Không, cháu ạ!”. “Thỉnh thoảng mới thế chứ?”. “Thường xuyên. Cứ
xuống địa bàn là anh ta ra uống, hết nước ngọt đến bia, thuốc lá rồi thản nhiên
đứng dậy. Có khi kéo đến cả chục anh mà không trả một xu, thậm chí không một
lời cảm ơn… Đảng viên đấy cháu ạ!”. Nghe xong, tôi nóng mặt như chính mình bị
xúc phạm. Hớp ngụm trà, tôi tự hỏi: Họ là ai, có còn là công an nhân dân hay…
là giặc?
Không chỉ công
an mà công chức từ phường đến quận đều thế - Hách dịch và tìm cách moi tiền
dân. Ở nông thôn còn kinh khủng hơn, họ hàng nhà tôi từ quê lên kể: dân sợ bí
thư, chủ tịch hơn sợ cọp. Họ ngang nhiên hiếp đáp, đè nén dân. Chuyện xơi đất,
thụt két… là “chuyện thường ngày ở xã”(!). Dân bảo: có bầu ông mới lên thì tiếp
tục tốn vì ông mới chưa có gì, thà cứ để cho ông cũ ngồi đấy, no rồi thì đỡ ăn
của dân(!). Đã từ lâu ở nông thôn hình thành một lớp “cường hào mới”.
Trong cơ quan
nhà nước hình thành bè phái, tranh giành ghế, tranh giành quyền lực. Tư cách
cán bộ, đảng viên xuống cấp. Khắp nơi ăn nhậu. Quan càng to uống rượu càng đắt
tiền. Tôi đã tự hỏi: họ lấy tiền đâu mà ăn tiêu dữ vậy? Chả lẽ… ăn cắp?
Thấy anh em tôi
không còn sinh họat, mẹ tôi – một lão thành cách mạng – lo lắng: “Các con phải
sinh họat trong tổ chức?”. Bọn tôi đã trả lời: “Mẹ có thấy đảng viên ở các cấp
đang làm mất uy tín của Đảng đến mức nào? Cha mẹ xưa kia đâu có thế? Chả nhẽ
chúng con lại bằng vai phải lứa với họ?...
Thôi thì là quần chúng tốt còn hơn đảng viên tồi! Không còn là đảng viên
nhưng trái tim chúng con vẫn là trái tim cộng sản!”. Biết mẹ tôi đau lắm nhưng
không còn cách nào khác vì chính cha mẹ đã dạy chúng tôi phải biết sống co tự
trọng!
16 năm sau - sự
thật sờ sờ ra đấy!
Hầu hết cán bộ,
đảng viên ở tất cả các bộ, ngành đang tìm mọi cách đục khoét, ăn cắp, tham
nhũng, lãng phí… Gần đây nhất là vụ tiêu cực tày đình ở PMU18 và Bộ GT-VT. Từ
thứ, bộ trưởng, đến bí thư, phó bí thư
Đảng uỷ cơ sở đến Ban cán sự của bộ, rồi hầu hết cán bộ có chức có quyền
đều “dính trấu”. Tổ chức Đảng bị vô hiệu hoá, thậm chí có bàn tay của xã hội
đen nhúng vào. Đồng tiền thao túng khắp nơi và là phương tiện để mặc cả! Chưa
bao giờ các kiểu “chạy chức, quyền”, “chạy tội, chạy án”… phổ biến như ngày
nay. Đạo đức xã hội sa sút nghiêm trọng. Quyền lực, danh lợi đã làm mất hết
nhân cách con người và tư cách đảng viên. Không ít cán bộ cao cấp đương chức
không gương mẫu, không xứng đáng là tấm gương sáng như thế hệ cha anh chúng ta!
Chúng ta chỉ
chống tham nhũng nửa vời: Nói nhiều hơn làm, chỉ tắm từ vai trở xuống… Vào
Đảng, theo quan niệm mới, là để “thăng quan, tiến chức” chứ không còn để “vì
dân”, “hy sinh cho dân” như ngày xưa! Và nếu còn trong biên chế, chắc bản thân
tôi cũng sẽ phải luồn cúi, nịnh bợ để được lên lương, lên ghế, khi thấy sai
trái tôi sẽ phải im lặng?!...
Trước thực tế
phũ phàng ấy tôi đã nghĩ: Đảng có còn là của nhân dân hay chỉ của một nhóm
người có quyền lực, sống trên thành quả lao động của nhân dân? Đảng có hay lòng
tin của người dân đối với Đảng bị mai một nghiêm trọng?
Những ngày vừa
qua thấy có rất nhiều đóng góp tâm huyết của dân với Đảng. Vậy là dân ta chưa
quên ơn Đảng, dân ta sống rất “có trước có sau”! Nhưng đã đến lúc Đảng phải
kiên quyết tự đổi mới chính mình, kiên quyết làm sạch chính mình! Đó là mong
ước của 80 triệu người dân Việt Nam.
Nhớ mãi trước khi mất, mẹ tôi trăng chối thế
này: “Khi nào thấy Đảng tốt thì các con vào sinh hoạt trở lại!”.
Mong các bạn trẻ hiểu cái gì mà thế hệ già đã qua. Với tôi, người đang viên tốt nhất là người đóng thuế đầy đủ nhất.
Trả lờiXóaBà Hưng buồn vì Công, Quốc không sinh hoạt Đảng. Trước khi chết, bà dặn: Khi nào thấy Đảng tốt thì các con sinh hoạt trở lại!
Trả lờiXóa