Cuối tháng
10 khi gia đình vừa cho in xong cuốn sách Trần Tử Bình – Từ Phú Riềng Đỏ đến
mùa Thu Hà Nội…, tôi kết hợp công chuyện mang sách ra tặng các chú, các bác
và những đơn vị cha đã công tác mấy chục năm về trước. Trong lịch có kế hoạch
đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vừa đặt
chân đến Hà Nội, tôi phone ngay cho Võ Hạnh Phúc, con gái bác, để xếp lịch lại
thăm, nhưng vì bác đang nghỉ ở Hồ Tây nên phải chờ. Chiều thứ ba, 31/10/06,
quãng 3g, Hạnh Phúc cho xe đến đón.
Khi xe chạy vào cổng khu nhà nghỉ Trung
ương thì những hình ảnh của những năm 60 tái hiện lại trong tôi. Mỗi lần cha
tôi từ Bắc Kinh về họp Trung ương, vì nguyên tắc bảo vệ mà Văn phòng bố trí cho
ông nghỉ ở đây. Xen giữa những vườn hoa với đủ sắc màu là những biệt thự xinh
xắn. Sóng Hồ Tây vỗ ì oạp… Chiều chiều, mấy anh em tôi được đón từ nhà lên chơi
và ngủ lại, sớm mai về đi học. Bọn tôi la hét, đuổi nhau trong vườn hoa, dưới
những gốc hồng Xiêm…
Bác Văn
nghỉ ở một villa sát ven hồ. Đến nơi thì bác vừa nghe Đại tá Nguyễn Huyên ở văn
phòng báo cáo xong tình hình thời sự trong ngày. (Đây là một thói quen không
thay đổi đã mấy chục năm nay). Bác từ từ bước vào phòng. Tôi chạy ra đón. Võ
Hạnh Phúc giới thiệu:
-
Ba
ơi, đây là Trần Kiến Quốc, con bác Trần Tử Bình, đến thăm ba mẹ và biếu cuốn
sách gia đình mới xuất bản.
-
Cháu
ngồi xuống đây! - Bác chỉ vào ghế.
Trông
Đại tướng thật hiền từ, bình dị, khoác trên mình bộ quần áo lụa màu mỡ gà. Tôi
trân trọng trao cuốn sách cho bác rồi nói:
-
Mấy
anh em cháu vừa biên tập và in xong tuần trước cuốn sách Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội….
Nay mang ra biếu bác.
-
Tốt!
Không có gì quý bằng để lại sách cho đời. Đây là một việc làm tri ân với cha mẹ
các cháu.
-
Thưa
bác, trong này có bài viết “Tưởng nhớ anh Trần Tử Bình” của bác nhân lễ tưởng
niệm cha cháu năm 2004.
-
Vậy
à. Này, có máy ảnh không? Phải chụp mấy pô làm kỷ niệm chứ!
Bác kéo tôi
ngồi xuống bên cạnh. Vì không có ghế, tôi nhanh chân quì xuống sàn. Thấy vậy
bác xua tay: “Không được quì như vậy! Cháu phải ngồi vào ghế đàng hoàng”. Hạnh
Phúc mang lại chiếc ghế đôn. Cháu Tâm, con gái Hữu Thành, nhanh tay bấm mấy pô.
Tôi lần giở đúng bài viết có tấm ảnh chụp cô Hà, bác Văn cùng các bác Tạ Quang
Bửu, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn và chú Lưu Văn Lợi đang trò chuyện thân tình
với ba chiến sĩ quốc tế Chiến Sĩ, Nguyễn Dân, Lê Đức Nhân làm công tác binh
vận:
- Thưa bác,
bức ảnh tư liệu này do gia đình chú Trần Độ lưu giữ. Chính chú Độ chụp bức ảnh
này đấy ạ.
- Ảnh quý
lắm, từ ngày ở trên Việt Bắc. Lần đầu tiên bác được xem đấy... - Bác dừng một
lúc rồi tiếp - Cha cháu là một con người ngay thẳng, kiên trung và rất khảng
khái. Bác vẫn không quên hình ảnh của cha cháu với khuôn mặt hơi gày, xương
xương trong những ngày cùng sống ở Việt Bắc.
-
Thế
có giống ảnh cha cháu đang cưỡi ngựa ngoài bìa không ạ? – Tôi đùa.
-
Giống
lắm!... Cha cháu nếu còn sống thì năm nay bao nhiêu?
-
Dạ,
năm 2007 tròn 100 ạ!
-
Vậy
là hơn bác 4 tuổi.
Cô Hà chen
vào: “Anh Bình là dân công giáo toàn tòng nhưng hay kể chuyện tiếu lâm. Anh Văn
có còn nhớ chuyện anh Bình kể không?”.
-
Lâu
quá, quên rồi. Chỉ nhớ là cha cháu rất hóm, cho dù ngày đó rất gian khổ.
Lúc
đó tôi mạnh dạn hỏi:
-
Thưa
bác, cho cháu hỏi: Vì sao năm 1947 khi bác là Bí thư Quân uỷ thì cha cháu, vốn
là dân công giáo toàn tòng, lại được chọn làm Phó bí thư?
-
Câu
hỏi hay đấy!... Cha cháu từng học Trường dòng, từng đi dạy Kinh kiếm sống, nghe
đâu ông từng đỗ thày Tư, nhưng ông dám vượt lên chính mình để tìm đường giải
phóng bản thân, giải phóng dân tộc. Cha cháu vào tù ra tội, trưởng thành trong
cách mạng và sống rất bản lĩnh, nghĩa khí. Còn tôn giáo nào cũng đều dạy cho
con người ta sống tốt, làm những điều tốt. Chỉ có những ai lợi dụng tôn giáo để
làm việc xấu mới đáng lên án. Và một điều cần phải nói là Bác Hồ rất sáng suốt,
nhìn nhận con người, lựa chọn cán bộ chính xác.
Lúc
đó cô Hà xen vào: “Cô nhớ mãi chuyện “Chọn Đức Giáo hoàng” cha cháu kể. Mỗi khi
nhớ đến cha cháu là lại nhớ đến giờ giải lao trong một buổi họp Quân uỷ, nghe
cha cháu kể làm ai cũng cười chảy cả nước mắt... À, cậu em út cháu vẫn kê đơn
bắt mạch đấy chứ?”.
-
Vâng,
em Trần Việt Trung chơi thân với Võ Hồng Nam nhà cô. Việt Trung được bác Thiên
Tích, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, dạy cho nghề thuốc. Em có đam mê cả
y lẫn võ và vẫn bắt mạch ngoài giờ.
Tôi
nhắc lại cả chuyện năm 1993 khi mẹ chúng tôi vừa mất. Đang đau buồn vì cảm thấy
mất mát, hụt hẫng xen lẫn oan ức thì ngay tối hôm ấy, bác Văn và cô đến nhà
chia buồn, làm mấy anh em ngỡ ngàng, cảm động. Ngày tổ chức lễ truy điệu tại Bệnh viện Việt - Xô, cô Hà cùng Điện Biên, Hồng Nam mang hương,
hoa đến vĩnh biệt mẹ tôi. Những kỷ niệm chân tình ấy thật khó quên!
Cô
Hà lật giở từng trang sách rồi dừng ở bài viết về chú Lê Quang Đạo, nhắc nhở:
“Chú thích ảnh mà ghi “Chúng tôi đến thăm chú…” là thừa nhé. Chỉ cần viết “Đến thăm chú…” là đủ rồi”. Tôi nhận
lỗi: “Dạ “cây nhà lá vườn”, anh em cháu tự biên tập nên chắc còn có lỗi ạ”. Bác
Giáp quay sang hỏi:
-
Thế
con cái anh Bình, chị Hưng giờ làm ăn thế nào?
-
Dạ,
tám anh chị cháu đều là những người có ích cho xã hội. Bốn người theo nghiệp
nhà binh của cha thì nay còn lại một. Ở Hà Nội, em Việt Trung có xí nghiệp làm
chổi sơn xuất khẩu, còn trong Nam chúng cháu có hai nhà máy may xuất khẩu với
2.000 công nhân ạ...
-
Vậy
nhớ may áo rét tặng bác Văn nhé! – Cô Hà đùa vui.
-
Vâng.
Năm 2004 khi cô và bác vào Sài Gòn, chúng cháu muốn đón cô xuống thăm. Nhưng cô
bận quá.
Ngồi đã
lâu, sợ bác mệt, tôi xin phép ra về. Bắt chặt đôi bàn tay ông, tôi chúc ông
mạnh khỏe, sống lâu. Ông vui vẻ nói: “Hằng này bác vẫn tập thiền vài tiếng đồng
hồ nên mới giữ được như thế này. Hơn nữa phải sống thật thoải mái, đừng bao giờ
ham muốn danh vọng, ham muốn vật chất!”. Khi ôm lấy đôi vai gầy của Đại tướng
mà tôi cảm thấy xốn xang. Cha mẹ tôi đã đi xa nhưng những đồng đội thân thiết
của cha mẹ vẫn còn, đó là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của chúng tôi.
Về chiều
trời đầy mây. Tiết trời se lạnh. Sương là là giăng kín mặt hồ. Chiếc xe BMW của Hạnh Phúc chở tôi phóng về phía trung
tâm…
Sài
Gòn, 22-11-2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.