Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

GHI CHÉP TỪ CÁC CHÚ TỪNG LÀM VIỆC VỚI CHA

Thăm nhà chú Bồng ở Hương Canh, 2006.

Chú luôn tự hào là lính Võ Đại tướng và em ông Bình.
 
1.       Chú Nguyn Văn Bồng: 
“Cha chaú là ngươì kết nạp chú vào Đảng khi ở trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 và là người cứu chú trong cải cách. 
Ông cụ sinh ra chú tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Nhưng trong cải cách gia đình bị quy là Quốc dân đảng, thế là chú bị Quân pháp tạm giam. 
Nghe Thanh tra báo cáo vụ việc này, cha cháu đã thẳng thắn nói: “Đây là lần thứ 3 tôi nói với các anh. Nếu Nguyễn Văn Bồng là đảng viên Quốc dân đảng thì Trần Tử Bình này là Quốc dân đảng từ lâu rồi!”. 
Sau đó, chú mới được thả tự do và theo con đường cha cháu đi tới tận bây giờ”.


2.       Chú Khái  là bố vợ anh Phạm Văn Bính (một đồng nghiệp của tôi ở Học viện KTQS), nguyên bác sĩ công tác tại bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô và Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam. 
Thời kỳ Sửa sai 1955-56, ông là giám đốc Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu, do "có học" nên bị quy là đảng viên Quốc dân đảng và chờ “đội” thi hành án tử hình - treo cổ. Ông kể lại: “Sáng sớm hôm sau, chú bị xử tử rồi, thế mà bố cháu đã phóng xe suốt đêm hôm đó để về Nghệ An, sáng ra kịp đọc lệnh tha. Khi đang lên đoạn đầu đài, nhìn xuống thấy thằng con trai đang vắt vẻo trên cây xem bố bị xử tử (còn bé đâu có biết gì!). Thấy có xe đến, thấy Phó tổng thanh tra bước xuống đọc lệnh tha. Chú mừng quá, cái chết gần trong gang tấc! Chỉ cần đêm hôm đó, ông “vui vẻ” với mẹ cháu, sáng sau mới lên đường thì chú ngỏm từ lâu rồi. Mà cha cháu đâu biết chú là ai. Cha cháu là một con người hết sức trách nhiệm với công việc. Cha cháu là người sinh ra chú lần thứ hai!”.

3.       Chú Đoàn Sự  - nguyên Phó giám đốc NXB QĐ, từng công tác tại Bắc Kinh từ 1956-1963 cùng chú Trần Đình Số (sau là Cục trưởng Cục Cán bộ), Đặng Nghiêm Hoành (nguyên đại sứ nước ta, thời kì đó là phiên dịch): 
”Cha cháu là con người có 2 biểu hiện LIÊM – TRỰC, ông rất nóng tính không chịu khuất phục trước sai trái. Ông rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ  và là một con người lao động. 
Khi sang Bắc Kinh, thấy quanh sứ quán chỉ trồng hoa cảnh, lãng phí quá, ông cho người ra Cty Công viên mua cây ăn quả (đào, táo) về trồng. Cứ ngày nghỉ, cán bộ nhân viên sứ quán lại trồng cây tăng gia. Lắm khi mùa khô, gió thổi cả mùi phân ngựa ở gốc cây sang sứ quán Sri Lanca, Campuchia. Anh em  phải sang xin lỗi. Ít lâu sau quanh sứ quán cứ đến mùa là đào, táo sai quả trĩu cành. Từ khi cha cháu sang, bộ mặt của sứ quán thay đổi hẳn”.


4.       Chú Lê Quang Đạo:
”Chú gặp cha cháu từ trước khởi nghĩa. Sau  này công tác ở trong quân đội thì ít gặp nhau. Những năm 60, cùng sinh hoạt trong Trung ương, anh em cứ đùa: “Mỗi lần ông sang Bắc Kinh thì bị say rượu Mao Đài, nhưng cứ về nước là lại tỉnh ra…”. Quả thật, Đảng ta là đảng nhỏ, ngày đó rất dễ bị ảnh hưởng của hai nước lớn. Chú nhớ cha cháu là một đ/c trung ương xuất thân từ dân công giáo toàn tòng và trưởng thành trong phong trào công nhân cao su. Cuộc đời ông thực sự thẳng thắn, liêm khiết, cương trực, chí công vô tư được Bác rất tin tưởng”.

5.       Chú Dương Minh Long (học viên khóa 3 Võ bị) em chú Trung, chú Thành, cô Dung (con bà Ba Triệu ở Đồn Vàng, Phú Thọ) kể lại: 
“Quãng năm 1941, cha cháu là Xứ uỷ viên phụ trách Liên D (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang) thay ông Đào Duy Kỳ đi Trung Quốc. Cha cháu có về quê chú ở Cổ Tiết , huyện Tam Nông, ngay ngã ba đường từ Phú Thọ xuống Hưng Hóa và rẽ đi Đồn Vàng. Tại đây, cha cháu hay ra nghỉ ở nhà chú Đỗ Văn Mô và bà Bủ Chính ở ngoài bãi. Mẹ chú, chủ đồn điền Ba Triệu, cũng là cơ sở của ông. 
Ngày đó chú đang học ở Hà Nội, còn chú Trung - anh chú - đã tốt nghiệp kỹ sư Canh nông về làm việc ở đồn điền. (Chú Bình Phương rõ việc này). Đến năm 1946, sau khi mẹ cháu đẻ anh Chiến đã về lại đồn điền nghỉ. 
Năm 1956, trong cải cách ruộng đất, chú Trung bị “đội” quy là Quốc dân đảng và chuẩn bị đưa đi bắn. Họ bảo: trong thời gian chống Pháp gia đình có cho “2 con mẹ to béo người Nhật” trú ở đồn điền (mà họ có biết đâu đó là bà Trần Tử Bình và bà Hoàng Văn Thái). Cha cháu khi đó là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ biết chuyện đã lên ngay Phú Thọ giải oan cho chú Trung. Sau đó, cha cháu có hỏi: “Thôi, trong cải cách Đảng có sai lầm, nay Đảng đã nhận và đã sửa sai. Chú có ý kiến gì không?”. Chú Trung chưa nguôi giận: “Sai thế mà anh chậm tí nữa thì tôi chết rồi. Thôi, cho tôi về nhà với vợ con, không công tác gì nữa!”. Sau đó, cha cháu đã thuyết phục và chú Trung đã trở lại công tác.”

6.       Anh Chiến được cha kể lại: 
Đầu năm 1947, đ/c Nguyễn Sơn – nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam được chỉ định làm Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (khóa 2). Tại lễ khai giảng, 16-2-1947, đ/c Trần Tử Bình – phái viên của Bộ tổng, nguyên Chính uỷ khóa 1 - cũng về dự. 
Đầu năm 1948, khi đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thanh tra quân đội toàn quốc, ông cùng đ/c cần vụ Phạm Hữu Phú và đ/c bảo vệ từ Việt Bắc vào Khu Bốn thanh tra bộ đội kết hợp thông báo với Tư lệnh Nguyễn Sơn việc Hồ Chủ tịch phong hàm thiếu tướng cho ông. Vì vậy gặp nhau lần này, hai đ/c rất tâm đầu ý hợp, đ/c Bình cho cần vụ ra chợ mua gà về làm cơm mừng hội ngộ. Kể từ đấy, mối quan hệ giữa hai người thêm thắm thiết. Năm 1950, đ/c Nguyễn Sơn được cử về Trung Quốc. Cho đến tháng 9-1956, khi biết mình bị ung thư phổi khó qua khỏi, Nguyễn Sơn đã xin Đảng và Bác cho trở về Việt Nam. Trên đường từ Bắc Kinh về Bằng Tường, khi qua Quế Lâm, ông đã vào thăm lần cuối trường Lục quân Việt Nam, khi đó đ/c Lê Trọng Tấn là Hiệu trưởng và Trần Tử Bình là Chính uỷ. Ông đã tặng riêng cho trẻ con gia đình tôi chiếc xe đạp thiếu nhi và chiếc ôtô đồ chơi có thể chạy được bằng cách đạp pê-đan. Anh em tôi giữ mãi đến khi về nhà mới ở 99 Trần Hưng Đạo.
Vào Khu Bốn lần đó, cha tôi cũng tới thăm ông Cả Khiêm – anh của Bác Hồ.

7.       Chú Nguyễn  Thọ Chân – nguyên bộ trưởng Lao Động, uỷ viên TW khóa 3:
"Năm 1942, khi tôi làm bí thư Hà Đông thì anh Bình làm bí thư Liên C, phụ trách Hà Nam. Năm đó tôi mới 20. Một lần, anh Hoàng Quốc Việt triệu tập cuộc họp bí mật có tôi và anh Bình để bàn việc xây dựng  phong trào ở các huyện ráp giới 2 tỉnh (Chương Mỹ - Duy Tiên). Không may lần đó tôi bị sốt rét quật ngã, mà đây là lần đầu tiên tôi bị sốt rét. Hai anh đã nấu cháo cho tôi ăn và chăm sóc như những người anh đối với người em. Lạnh quá, 2 hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Anh Bình và anh Việt đã thay nhau ôm lấy tôi để sưởi ấm. Kỷ niệm này với anh Bình làm tôi nhớ mãi. Tình cảm cách mạng trong sáng như vậy đó! Đầu 1943, tôi bị bắt thì đến cuối năm anh Bình cũng bị bắt". 

8.       Chú Nguyễn Hoàng Dũng, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng:   
" Chú là học viên khóa 2 Võ bị Trần Quốc Tuấn, là lính của cha cháu đầu năm 1947 ở trên Bắc Cạn. Ngày đó cụ Nguyễn Sơn làm Giám đốc, còn cha cháu là đại diện Bộ Tổng về dự khai giảng. Trước toàn thể học viên, cụ Sơn  chỉ vào cha cháu và noí: 
- Đ/c Trần Tủ Bình sẽ là người đẻ ra những quả trứng vàng cho anh em đấy! 
Sau đó lớp chú theo cụ Sơn vào Khu Bốn, đến tháng 10-1947 mới sát nhập với khóa 3 của chú Minh Long.
Đến năm 1965, chú đưa đoàn của Bộ sang Trung Quốc, khi đó cha cháu là đại sứ ở Bắc Kinh. Thầy trò gặp nhau, cha cháu bảo chú: “Ở trong nước anh em đánh giỏi như thế sẽ tạo điều kiện cho chúng tớ thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.