Hôm gặp nhau trên điện thoại, hẹn sẽ viết lại những chuyện này, chuyện kia. Thắng cười: "Anh giai nhớ thế". "Thế người ta mới giữ lại làm thầy chứ", tôi trả lời...
Học làm thợ
Khi còn là học viên, ở cùng lớp đã thấy anh Khôi 'điếc' ngoài giờ đã mở radio bán dẫn ra chọc ngoáy. Vài buổi là oe oe có sóng, có tiếng. Phục. Lên năm cuối thì thấy hết thầy Ngô Hai, thầy Bính, thầy Phương, thầy Lân... sờ vào máy nào hỏng cũng thành tốt. Vậy là có những tấm gương để quyết noi theo.
Ngày đi tiếp quản miền Nam tháng 4/1975, cứ thấy anh Khôi đi tìm kiếm sách, đồ nghề là học mót. Nào sách dạy sửa radio, sửa TV; nào sơ đồ điện hết Sony, National, Panasonic đến 'Đẻ Non' (Dennon)... mua hết. Có thể tự hào mà nói rằng, hầu hết các sơ đồ máy móc điện tử ngày ấy có hết trong túi đồ nghề của Quốc. Hỏng đâu, lật lật tra cứu hoặc tìm sơ đồ tương đương rồi suy luận 1 lúc là tìm ra chỗ hỏng.
Còn đồ nghề thì chả thiếu gì từ mỏ hàn nhỏ, mỏ hàn lớn đến súng lục (mà anh em thợ thuyền gọi là Pis-tô-lê, Pistolet) các cỡ; panh, kìm cắt, tuốc-nơ-vít... Không khác gì của mấy ông thợ hàn răng.
Có cái đầu, có đồ nghề, có xe máy... thế là phi đi sửa. Mà trước là sửa
free of charge (miễn phí). Anh em trong trường (ở các khoa không điện tử) có lời nhờ vả là đi. (Lúc ấy là 'xăng phe-mi' nên rảnh rỗi là dành thời gian cho anh em, bạn bè). Máy móc nhà bác Giao có gì hỏng thì a lô là tới. Anh giai từng tự hào: "Thằng này trẻ nhưng tay nghề khá phết, chả thua cánh thợ già của trường!".
Các trò ngoáy lõi trung tần, chuyển hệ âm thanh từ NTSC, PAL của tư bản sang SECAM của XHCN quá ư là dễ. Xoẹt. Rồi chỉnh hình, sửa các pan về ánh sáng, hình ảnh...